MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp]: So sánh 1 cơ sở bán lẻ FDI với cơ sở bán lẻ của Việt Nam là khập khễnh

18-11-2014 - 08:48 AM | Xã hội

Trong nửa buổi sáng, Bộ trưởng Công Thương tiếp tục trả lời chất vấn, hai bộ trưởng là Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng KHĐT cũng có những giải trình thêm.

Sáng ngày 18/11, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu mở đầu phiên họp về công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại .. của Việt Nam trong thời gian qua.

Theo báo cáo của Phó thủ tướng, trong thời gian qua, chúng ta ngăn chăn có hiệu quả buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Đây là vấn đề toàn cầu, nhưng ở VN trầm trọng hơn, trong phạm vi rộng hơn. Phó Thủ tướng cho rằng, muốn chống buôn lậu tốt phải dựa vào dân và hệ thống chính trị; phải vận động người dân không tiêu thụ, không tiếp tay cho hàng giả, hàng trái phép.

Đồng thời, phải củng cố lực lượng đủ khả năng, đủ sức đề kháng, trang bị phương tiện, điều kiện, để đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống gian lận thương mại. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho sáu lực lượng chủ công: ngành thuế, hải quan, công an, quản lý thị trường, biên phòng, cảnh sát biển có đủ điều kiện để tham gia phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Ngoài ra, cần có thái độ kiên quyết nghiêm minh, đánh mạnh, đánh trúng. Đảm bảo chất lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống buôn lậu; Có những thể chế cần thiết, kiểm điểm, sửa đổi.

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ ngành, địa phương và các cơ quan vào cuộc quyết liệt hơn nữa; ngăn chặn có hiệu quả hành động buôn lậu, hàng giả, hàng trái phép và gian lận thương mại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính – Đinh Tiến Dũng cho biết: Theo quy định pháp luật về giá của Bộ Tài Chính, thực hiện chức năng quản lý về giá. Các bộ ngành chức năng có trách nhiệm quản lý nhà nước về giá được pháp luật quy định. Ở cấp tỉnh có chức năng quản lý nhà nước về giá tại địa phương.

Trong thời gian qua, BTC và các bộ ngành đã thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước theo quy định để bình ổn giá, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức/cá nhân kinh doanh, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của nhà nước.

Trong thời gian tới, Bộ chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với các mặt hàng: than bán cho sản xuất điện, nước sạch, y tế, giáo dục, sữa, xăng dầu, điện.

Về giá xăng dầu, trước ngày 1/11/2014, thực hiện Nghị định 84 của Chính phủ, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương để điều hành giá xăng dầu. Trong 10 tháng qua chúng ta đã điều hành tăng/giảm giá xăng dầu 25 lần. Trong đó, giá xăng giảm 1.860 đồng/lit; dầu Diesel giảm 1.880 đồng/lit, dầu mazut giảm 1.220 đồng/lit dầu hỏa giảm 1.560 đồng/lít so với đầu năm điều này thể hiện chúng ta điều hành giá theo tín hiệu thị trường.

Từ ngày 1/11/2014 việc điều hành giá xăng dầu Bộ Công thương là đơn vị chủ trì, Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp. Trong thời gian qua đã phối hợp tương đối nhuần nhuyễn, tháng 11 vừa qua - đã giảm giá xăng dầu 2 lần- khoảng cách điều chỉnh dưới 15 ngày, quy định tối đa 15 ngày có thể giảm giá nhưng do giá dầu thế giới giảm nhanh nên giảm giá dưới 15 ngày.

Giá sữa: Thực hiện Nghị quyết 29 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết định về điều hành giá sữa trong đó công bố giá tối đa của 25 mặt hàng sữa. Bộ đã có công thư gửi các Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh phối hợp thực hiện. Đến nay chúng ta đã công bố giá tối đa và đăng ký giá cho 582 mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Giá sữa so với thời điểm trước khi quản lý, có mặt hàng đã giảm đến 34%. Qua đây chúng tôi thấy rằng, kể cả quản lý giá, hay chống buôn lậu nếu có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bộ ngành, và cấp địa phương mới đạt được kết quả.

Trong thời gian tới giá các mặt hàng chúng ta đang quản lý vẫn tiếp tục thực hiện theo tín hiệu thị trường, phải điều hành linh hoạt hơn.

Trước khi Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của các Đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Bùi Quang Vinh giải trình một số vấn đề về công nghiệp hỗ trợ của VN. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Có CN hỗ trợ phát triển mới thu hút được đầu tư.

Bộ trưởng nhận định, trong giai đoạn tiếp theo, DN tư nhân sẽ là đối tượng then chốt trong phát triển công nghiệp hỗ trợ và tạo chuỗi giá trị gia tăng. Doanh nghiệp tư nhân sẽ là lực lượng quyết định Việt Nam không chỉ đi nhập nguyên liệu, lắp ráp gia công; mà có thể sản xuất và chủ động về nguồn nguyên liệu.

“Công nghiệp hỗ trợ vẫn là vấn đề gây nhiều trăn trở trong thời gian qua” – Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn thừa nhận.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, năm 2015 nên được chọn là năm doanh nghiệp; năm hỗ trợ DN vừa và nhỏ Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng chính là tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi; tạo điều kiện cho mọi người dân có tiền không mang tiền đi gửi tiết kiệm mà mang tiền đi kinh doanh.

Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng cần có các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo mọi điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn đơn giản, dễ dàng, chuyển giao công nghệ. Các tập đoàn lớn như Samsung, tập đoàn của Đức, Nhật … sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho VN và nhận lại sản phẩm sau khi hoàn thành. Nhưng số DN đáp ứng được yêu cầu của những tập đoàn này vẫn còn hạn chế.

Bộ trưởng kết luận, thị trường là nơi tiêu thụ và tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới. Do vậy, cần khuyến khích thành lập, cổ vũ động viên lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp làm ra sản phẩm phải có giá thành thấp, đủ sức cạnh tranh; vì giá thành là cái quyết định cuối cùng. Đây là động lực tạo ra nền công nghiệp phụ trợ tốt cho VN.


Bộ trưởng Công thương tiếp tục phiên chất vấn sáng 18/11


Đại biểu Tô Văn Tám chất vấn: qua trả lời của Bộ trưởng, Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) mới có quyết định 12 về một số chính sách phát triển CNHT, năm 2014 mới có quy hoạch ngành CNHT. Vấn đề của tôi đặt ra là việc tiếp cận vai trò ý nghĩa tầm quan trọng của ngành CNHT trong quá trình tổ chức thực hiện quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ năm 1991 về Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là chậm chạp.

Vì thế CNHT chậm phát triển, nếu đó là vấn đề Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào, trách nhiệm của bộ trong vấn đề này đến đâu?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa – TP HCM tiếp tục chất vấn về thực trạng thị trường bán lẻ của VN. Theo Đại biểu, bức tranh thị trường bán lẻ không sáng như Bộ trưởng đã giải trình trong phiên họp chiều 17/11.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, DN nước ngoài có 70 trên tổng số hơn 900 cơ sở bán lẻ ở VN và đây là một tỷ lệ không lớn. Nhưng 1 cơ sở nước ngoài có quy mô lớn gấp 4,5 lần cơ sở bán lẻ của VN. Nếu quy đổi lại, con số sẽ lên đến hàng trăm cơ sở, chứ không phải là 70.

Thị phần bán lẻ chiếm 3,4% trên tổng thị trường, nhưng thị phần này có tính đến các mặt hàng độc quyền như xăng dầu ... Nếu tính đếu các mặt hàng tiêu dùng bán lẻ thì con số sẽ lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, các mặt hàng bị cấm vẫn được bán ở những cơ sở nước ngoài; vẫn cấp phép cho các nhà bán lẻ nước ngoài mở thêm nhiều cơ sở ở VN như BigC có 30 điểm bán, Lotte có 11 TTTM ….

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, nếu so sánh quy mô một cơ sở nước ngoài với 1 cơ sở của VN thì hơi khập khiễng. Nhưng điều quan trọng là thị phần bán lẻ của DN nước ngoài năm 2013-2014 chỉ chiếm khoảng 3,4% thị trường bán lẻ. Theo thống kê thì trong các siêu thị nước ngoài như BigC, Metro … có đến 90% sản phẩm là hàng Việt Nam.

Giải trình về việc nhiều DN nước ngoài có hơn 10 cơ sở ở VN như Metro 19 cơ sở, BigC 30 cơ sở …., Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Metro, BigC … được cấp phép trước khi VN gia nhập WTO, với tư cách là doanh nghiệp thí điểm. Khi đó, VN chưa có quy định chặt chẽ về quản lý thị trường bán lẻ.

Trong thời gian tới, Bộ công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội bán lẻ, đề xuất giải pháp để phát triển cơ chế, chính sách hệ thống bán buôn, bán lẻ với xu hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp VN.

Liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh gửi đến Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ Khoa học – Công nghệ câu hỏi sau:

(1) Phân bón giả, phân bón kém chất lượng là nỗi ám ảnh của người nông dân. Việc quản lý trên lĩnh vực này Chính phủ giao cho 2 Bộ quản lý – Bộ Công thương (quản lý phân bón vô cơ) và Bộ NNPTNT (quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác). Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân cấp này là rời rạc và tạo nhiều kẽ hở cho tư thương trục lợi.

Ngày 27/11/2014 Chính phủ ban hành Nghị định 202 về quản lý phân bón. Một số ý kiến cho rằng, Nghị định này ra đời sẽ siết chặt được thị trường phân bón, quản lý phân bón đến tận gốc. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng sẽ không giải quyết được bất cập thị trường phân bón hiện nay vì Nghị định 202 tiếp tục giao cho 2 bộ quản lý phân bón.

Theo Bộ trưởng việc phân chức quản lý nhà nước cho 2 Bộ có làm tăng hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước không? Nếu không, Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục, nếu có xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chính vì sao quản lý nhà nước được tăng cường, công tác phòng chống gian lận thương mại cũng được tăng cường trên mọi mặt nhưng tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng không giảm mà diễn biến tinh vi hơn. Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề ra sao?

(2) Sự bất cập của thông tư 26 đề nghị Bộ trưởng Bộ KHCN làm rõ 2 vấn đề: (i) Cơ chế giám sát, quản lý các tổ chức kiểm nghiệm, trách nhiệm của các tổ chức kiểm nghiệm như thế nào khi 2 kết quả ở 2 nơi khác nhau? Và việc xử lý ở 2 kết quả này như thế nào? Theo quy định các tổ chức thử nghiệm phải đạt tiêu chuẩn chung theo quy định và được sự chỉ định của cơ quan có thẩm quyền do đó kết quả thử nghiệm của cơ sở này có giá trị ngang nhau. Nhưng theo quy định của Thông tư 26 thì kết quả thử nghiệm của tổ chức sau sẽ phủ định kết quả thử nghiệm của tổ chức trước trường hợp kết quả thử nghiệm ở 2 lần khác nhau. Chúng ta căn cứ kết quả lần sau để kết luận có hợp lý không? Đâu là chất lượng của mẫu thử phân bón đó? Thời gian thử nghiệm lâu – trung bình 10 ngày/lần, nếu phúc kiểm lần 2 công với thời gian người bán hàng và thời gian phát hành các văn bản là mất 1 tháng. Như vậy việc xử lý hàng hóa kém chất lượng có kịp thời không? Trong thời gian này hàng hóa không được niêm phong liệu phân bón kém chất lượng có bị tuồn ra ngoài tiêu thụ không?

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương – Tây Ninh chất vấn về về công tác quản lý giá điện trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo và quy định quản lý điện sinh khối của VN trong thời gian qua.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: Theo chiến lược an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030, Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan đều xác định sự cần thiết của nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… Thời gian qua, Bộ công thương và các bộ ngành đã nghiên cứu, đề xuất chính sách một số loại năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời …

Về cơ chế giá điện đối với các lĩnh vực năng lượng tái tạo, do Bộ phải tập trung hướng dẫn về biểu mẫu, hợp đồng mua bán điện nên thời gian qua, các quy định đã phải điều chỉnh. Do vậy, Bộ chưa kịp ban hành hợp đồng mẫu và quy định mua bán đối với điện sinh khối. Bộ trưởng Công thương cam kết Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu ban hành thông tư mua bán, hướng dẫn điện sinh khối.

Bộ trưởng Bộ Công thương - Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời các vấn đề  được đại biểu chất vấn sáng nay:

(1) Về hướng dẫn hợp đồng mua bán điện với các cơ sở phát điện sinh khối. Chủ trương Chính phủ thực hiện chiến lược an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 trong đó có nêu sự cần thiết và ý nghĩa của phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong đó có năng lượng sinh khối. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện chủ trương của Trung ương trong thời gian qua chúng tôi đã phối hợp các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất một số cơ chế chính sách để khuyến khích lĩnh vực năng lượng này trong đó có năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối.

"Ngày 24/3/2014, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá điện đối với năng lượng tái tạo, và năng lượng mới. Do chúng tôi phải tập trung vào hướng dẫn biểu mẫu hợp đồng mua bán điện đối với các thủy điện nhỏ nên chưa kịp thời ban hành hướng dẫn về biểu mẫu đối với hợp đồng mua bán điện sinh khối. Tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu và sẽ chỉ đạo ngay EVN Cục điều tiết điện lực sớm nghiên cứu và báo cáo với Bộ để ban hành Thông tư hướng dẫn nội dung mua bán điện sinh khối", bộ trưởng nói thêm.

(2) Về CNHT, Bộ trưởng nói: "Hôm qua chúng tôi đã báo cáo đúng là xây dựng cơ chế chính sách trong lĩnh vực này còn chậm, trách nhiệm của Bộ Công thương trong vấn đề này chúng tôi đã báo cáo. Trong thời gian tới chúng tôi căn cứ vào ý kiến của Đại biểu Quốc hội sự cần thiết, ý nghĩa quan trọng của CNHT chúng tôi sẽ có những biện pháp để khắc phục việc chậm trễ trong xây dựng cơ chế chính sách. Trước hết chúng tôi sẽ đề nghị với Chính phủ sớm xem xét dự thảo nghị định phát triển CNHT đã trình Chính phủ. Chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội sớm thông qua sửa một số luật thuế trong đó có ưu đãi CNHT".

Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa: Khi chúng tôi nêu con số, đúng là phải trao đổi kỹ hơn. Một là số cơ sở bán lẻ FDI chỉ có 70/900 cơ sở bán lẻ theo mô hình hiện đại. Đúng là so 1 cơ sở bán lẻ FDI với cơ sở bán lẻ của Việt Nam là khập khễnh. (i) Thị phần bán lẻ năm 2013 – 2014 khoảng 3,4%/tổng số doanh số bán lẻ, tuy nhiên trong 3,4% theo số liệu thống kê trong các siêu thị của những siêu thị bán lẻ FDI lớn có 90% hàng Việt Nam. Vì vậy đây là con số để đại biểu tham khảo.

(ii) Kiểm tra nhu cầu kinh tế để cấp phép mở thêm cơ sở bán lẻ cho nước ngoài. Có những doanh nghiệp FDI không chỉ có cơ sở bán lẻ thứ 2,3 như Metro. Metro được cấp phép trước khi chúng ta gia nhập WTO – thí điểm, chưa có quy định chặt chẽ như bây giờ; Big C cũng tương tự như vậy. Việc xem xét cơ sở thứ 2,3 trở đi là chủ quan. Trong thời gian vừa qua chúng tôi đã có cơ chế phối hợp với Hiệp hội bàn lẻ Việt Nam, và Hiệp hội người tiêu dùng cụ thể chúng tôi đã tổ chức được một số cuộc tham vấn với 2 Hiệp hội này. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với 2 Hiệp hội khi bàn về các cơ chế chính sách, giải pháp phát triển hệ thống phân phối trong đó có bán buôn bán lẻ ở Việt Nam theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh, vươn lên, phát triển ra cả nước ngoài.

(3) Về phân bón giả: Đúng là Nghị định 202 về quản lý phân bón của Chính phủ vẫn phân quản lý phân bón cho 2 bộ. Lý do là phân vô cơ phần lớn là phân hóa học có các hóa chất như Ure, hay NPK. Theo chức năng nhiệm vụ phân công, theo thẩm quyền các bộ ngành – quản lý hóa chất là Bộ Công thương, nên mặc nhiên giao phân bón vô cơ cho Bộ Công thương quản lý.

Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng phân cho ai thì phân nhưng quan trọng nhất là phối hợp thực hiện. Vừa qua chúng tối đã chặt chẽ. Nếu có sự phối hợp nhuần nhuyễn, hỗ trợ lẫn nhau trong những vấn đề liên quan tiêu thụ phân bón, xuất phát từ bảo vệ nông dân, bảo vệ sản xuất trong nước, phòng chống hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng tôi chắc rằng dù chúng ta có phân cho 2 bộ cũng không phải là vấn đề hạn chế, ảnh hưởng hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.

Ngoài ra, giữa 2 bộ đã ký cơ chế hợp tác. Cách đây không lâu 4 cơ quan Ủy ban Trung ương mặt trận Việt Nam, Trung ương hội nông dân, Bộ NNPTNT và Bộ Công thương đồng ký kết thỏa thuận hợp tác. Theo đó Trung ương mặt trận Việt Nam sẽ giám sát việc thực hiện cơ chế chính sách tiêu thụ vật tư, Trung ương hội nông dân sẽ cùng Trung ương mặt trận Việt Nam đảm bảo hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng đồng thời kiểm tra hoạt động của Bộ NNPTNT và Bộ Công thương. Định kỳ liên ngành sẽ kiểm điểm đánh giá và báo cáo Chính phủ. Tôi cho rằng đây là biện pháp tốt trong thời gian tới.

(4) Về buôn lậu đường: Thị trường đường ăn trong nước có vấn đề do năng suất sản xuất tăng và phòng chống buôn lậu qua biên giới – mặt hàng đường khá sôi động nhất là các tỉnh phía nam gần Campuchia. Chúng tôi phối hợp với các lực lượng liên quan cùng các địa phương nổ lực triển khai chống buôn lậu nhưng hiệu quả còn hạn chế. Đây là một trong những nội dung Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn đối với công tác phòng chống buôn lậu – trong đó có đường nhập lậu.

Liên quan đến hạn ngạch nhập khẩu đường: Với tinh thần bảo hộ hợp lý : Đường ăn, muối ăn, nguyên liệu thuốc lá, trứng gia cầm áp dụng hạn ngạch. Hàng hóa nằm trong hạn ngạch được áp dụng thuế suất ưu đãi.

Năm 2014 chúng ta được hạn ngạch nhập khẩu đường 72.000 tấn đường (tăng dần 5%/năm). Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết định phân bổ hạn ngạch.

>>> Nội dung phiên chất vấn chiều 17/11
Thanh Giang - Nguyệt Quế

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên