MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với 25 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

25-04-2014 - 17:54 PM | Xã hội

Riêng năm 2013, có 21/25 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có lãi, chỉ có 4 doanh nghiệp không có lãi là Vinafood II, Vinalines, Vinashines và VnSteel.

Chiều 25/4, Đoàn công tác Trung ương do Ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – Phó Trưởng Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X làm trưởng Đoàn tiếp tục có buổi làm việc với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và 25 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Khối về việc triển khai thực hiện Nghị quyết này tại các đơn vị.

Báo cáo tại buổi làm việc, Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết, hiện nay trong 34 đảng bộ trực thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương có 25 đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty.

So với các doanh nghiệp trong nước, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Khối đều có quy mô nguồn lực khá lớn; vốn, tài sản đất đai, quyền khai thác tài nguyên, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực…số liệu hợp nhất năm 2013 của riêng 25 tập đoàn, tổng công ty trong Khối về vốn chủ sở hữu là trên 845 nghìn tỷ đồng, về lao động là trên 950 nghìn người.

Chỉ trong 3 năm (2011-2013), kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối vẫn liên tục tăng, so với năm 2011 tổng doanh thu năm 2013 tăng 8,3% lên 1.8 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng 34% lên hơn 1 triệu tỷ đồng (tương đương tăng 263 nghìn tỷ đồng); tổng lợi nhuận tăng lên 90 nghìn tỷ đồng (tăng 25,7%); nộp ngân sách tăng lên 297 nghìn tỷ đồng (tăng 25,3%).

Riêng năm 2013, có 21/25 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có lãi, chỉ có 4 doanh nghiệp không có lãi là Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Tổng Công ty Hàng Hải, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy và Tổng Công ty Thép Việt Nam.

Các tập đoàn, tổng công ty kinh doanh những sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, trong những năm qua đã khẳng định là công cụ vật chất quan trọng để nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, là lực lượng nòng cốt góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đóng vai trò chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại buổi làm việc thứ 2 với Đoàn công tác Trung ương về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về “tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và các đại biểu là chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trong khối đều khẳng định, sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa đảm bảo định hướng XHCN. Tuy nhiên nhiều cơ chế, chính sách được quy định theo Nghị quyết này còn chưa đồng bộ khiến quá trình vận hành tại các đơn vị còn gặp khó khăn.

Các đại biểu đề nghị, Bộ Chính trị, Ban bí thư tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về sở hữu, đồng thời nhanh chóng phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển ổn định của các DNNN cũng như các thành phần kinh tế khác.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa quá trình phân loại, sắp xếp các DNNN, thực hiện tái cơ cấu nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của người có trách nhiệm cao nhất về bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sửa đổi các quy định về lương, thưởng đối với người lao động, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp theo hướng vận hành theo cơ chế thị trường. Bộ Tài chính xem xét, bố trí nguồn vốn vay tái cơ cấu dài hạn để đảm bảo nguồn lực tài chính cho các đơn vị cần hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu…


Nguyễn Thanh Liêm

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên