Tuần này, Quốc hội bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội
Tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội vào ngày 31/3 và bầu Chủ tịch nước vào ngày 2/4.
- 26-03-2016Lãnh đạo chủ chốt nào từng được bầu vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội?
- 24-03-2016Đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu để Quốc hội bầu
- 24-03-2016Quốc hội 13 bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng thì Quốc hội 14 làm gì?
- 23-03-2016Quy trình bầu Thủ tướng nhiệm kỳ mới?
Bước sang tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, hôm nay (28/3), các đại biểu dành một ngày làm việc ở hội trường để thảo luận về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Phiên thảo luận được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Cũng trong tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; dành một ngày thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; bàn kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020.
Một nội dung quan trọng trong tuần làm việc này của Quốc hội là sẽ dành thời gian xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước, cụ thể là bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia (31/3) và Chủ tịch nước (2/4).
Quốc hội cũng sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Trước đó, tại buổi họp báo trước kỳ họp thứ 11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, kỳ họp này, Quốc hội dành hơn một nửa thời gian cho công tác nhân sự vì sau Đại hội 12 của Đảng, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước không tái cử Ban Chấp hành Trung ương.
Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội 12 và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Chính vì vậy, Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII theo quy định pháp luật./.
VOV