Vì lương thấp nên năng suất lao động Việt Nam thấp?
Một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp là tiền lương, thu nhập, chế độ đãi ngộ đối với người lao động.
- 09-10-2015Năng suất lao động Việt Nam: Nửa thế kỷ nữa mới bắt kịp Thái Lan
- 22-09-2015Năng suất lao động Việt Nam: Ở đâu và đi về đâu?
- 11-09-2015Năng suất lao động của VN phải mất 20 năm nữa để bắt kịp Thái Lan
- 07-09-2015Báo động về năng suất lao động Việt Nam
- 07-09-2015Mức tăng lương tối thiểu có phù hợp với tăng năng suất lao động?
- 24-08-2015Lương tối thiếu tăng 20%, năng suất lao động tăng 3%/năm
Tổ chức Năng suất châu Á đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có năng suất lao động (NSLĐ) thấp nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Đây đồng thời cũng là những nước có chỉ số năng lực cạnh tranh cao hơn Việt Nam (Singapore xếp thứ 2, Malaysia xếp thứ 20, Thái Lan xếp thứ 31 và Việt Nam xếp thứ 65 trên tổng số 144 nền kinh tế.
Trong tất cả các ngành nghề, NSLĐ của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn của Lào, Campuchia và Myanmar một chút, về cơ bản thấp hơn tất cả các nước ASEAN. Nếu tính theo giá cố định, theo mức USD của năm 2015 quy đổi theo sức mua tương đương, thì mức NSLĐ của Việt Nam năm 2013 chỉ đạt 5.500 USD, cao hơn Lào ở mức 5.400 USD, Campuchia ở mức 4.000 và Myanmar 3.000. Trong khi đó: Singapore là 98.000 USD, Brunei đạt 101.000 USD, Philippines đạt 10.100 USD và Thái Lan là 14.800 USD.
NSLĐ thấp do tiền lương thấp?
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến NSLĐ của Việt Nam thấp chính là tiền lương, thu nhập cũng như chế độ đãi ngộ đối với người lao động. Theo đánh giá, tiền lương và năng suất lao động là mối quan hệ giữa tiêu dùng và sản xuất trong một nền kinh tế, cũng là mối quan hệ giữa làm và ăn, cống hiến và hưởng thụ của người lao động trong một tập thể doanh nghiệp. Giữa tiền lương, thu nhập và NSLĐ có một điểm gắn kết như sợi dây ràng buộc, đó là quá trình lao động.
Vấn đề tăng NSLĐ trở thành động lực đối với người lao động khỉ khi họ đạt được mục tiêu của mình, trong đó mục tiêu hàng đầu là thu nhập. Đây là mục tiêu quan trọng nhất khiến người lao động làm việc, bởi vì thu nhập giúp người lao động trang trải cuộc sống của bản thân họ và gia đình, đảm bảo cho sự sống và phát triển.
Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: “Để người lao động có động lực và tham gia vào quá trình tăng NSLĐ thì quan trọng là tiền lương. Họ có đủ sức tái tạo lao động, có động lực, có nhuệ khí thì họ mới làm, nếu không họ không làm hoặc chống đối.
Trong thời gian vừa qua, chúng ta có nhiều đối sách đúng đắn nhưng do triển khai chậm, không đáp ứng được với thực tiễn nên đôi khi nó cản trở, phản tác dụng, làm mất niềm tin của người lao động, dẫn đến động lực tăng NSLĐ của người lao động thấp xuống. Cho nên, chúng ta cần phải tăng lương thỏa đáng cho người lao động, tất nhiên chúng ta vẫn phụ thuộc vào sức khỏe của doanh nghiệp, của nền kinh tế, để xử lý hài hòa và chặt chẽ mối quan hệ này”.
Cũng theo ông Cao Sỹ Kiêm: Việc tăng NSLĐ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khó khăn hơn cả, họ thiếu vốn và chất lượng lao động kém khiến phần lớn lao động được đào tạo theo kiểu truyền miệng, bắt tay chỉ việc; trong khi lao động theo tính chất kỹ thuật cao, hiện đại chưa có nhiều.
Giải quyết vòng luẩn quẩn: đãi ngộ và năng suất
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đã là con người thì có năng lực như nhau, điều quan trọng là phát huy năng lực đó như thế nào thông qua chế độ đãi ngộ, đào tạo. Mấu chốt là người sử dụng lao động nhận thức về đối tượng đó như thế nào.
“Chúng ta nói rất nhiều đến ưu thế của Việt Nam, đó là có nguồn nhân lực lớn, trẻ, nhiều tiềm năng. Trong khi giới sử dụng lao động luôn luôn thực dụng, không chịu đầu tư nên dẫn đến năng suất thấp là điều đương nhiên. Điều gì dẫn đến lương thấp? Rõ ràng do người lao động đóng góp ít và ngược lại. Năng suất thấp lại kéo theo hệ quả chế độ đãi ngộ tương xứng, cứ luẩn quẩn như chuyện quả trứng và con gà vậy” – ông Dương Trung Quốc nói.
Ông Dương Trung Quốc khẳng định, Campuchia hay Myanmar ít nhiều có sự tương đồng với Việt Nam về điểm xuất phát. Tuy nhiên, nếu nhìn về cơ chế, những nước này sẽ bỏ xa chúng ta trong tương lai, nếu chúng ta không thay đổi tính thực dụng, thiếu tầm nhìn của giới sử dụng nhân lực hiện nay.
Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam sử dụng nhân lực rất giỏi, đem lại năng suất rất cao. Tuy nhiên chưa trở thành điểm chung, không trở thành chính sách của Nhà nước, không xây dựng thành hệ giá trị của xã hội.
“Như vậy vẫn con người ấy, đất nước này, nhiều doanh nghiệp, tổ chức sử dụng nhân lực rất giỏi, có trình độ rất cao, ngang thế giới. Song ở ta phổ biến vẫn là những doanh nghiệp lợi dụng khai thác lợi thế trước mắt, mà không nghĩ đến đầu tư lâu dài” – ông Dương Trung Quốc chia sẻ thêm.
Theo bà Sandra Polaski, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO): “Nghiên cứu mới nhất về mối quan hệ giữa tiền lương và NSLĐ của chúng tôi cho thấy, tăng tiền lương tối thiểu khiến cho người sử dụng lao động tìm cách tăng NSLĐ thông qua đầu tư vào công nghệ, quy trình làm việc hiệu quả hơn.
Chúng tôi khảo sát những người sử dụng lao động ở khu vực ASEAN về chiến lược của họ để tăng sức cạnh tranh, đại đa số lựa chọn giải pháp đầu tư để tăng cường kỹ năng cho người lao động và áp dụng công nghệ mới, tăng năng suất lao động”.