MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao bây giờ không ai muốn làm nông dân?

24-01-2016 - 16:56 PM | Xã hội

Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đã đặt câu hỏi như vậy tại Đại hội Đảng XII chiều 24-1.

Trong điều kiện khó khăn, cũng phải chấp nhận rằng nông dân tự nguyện đóng góp để thực hiện nhanh hơn một số nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở tự nguyện và dân chủ.

Ông Cao Đức Phát (Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng NN & PTNT)

"Vì sao ngay cả chúng tôi đều không muốn con mình là nông dân? Vì sao có những bà mẹ nghèo, mò cua bắt ốc nhưng mò cua để mong con đi học, đừng có làm nông dân như mình. Phải trả lời câu hỏi đó chứ?” - ông Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh.

Bên lề đại hội Đảng XII sáng 24-1, các phóng viên đặt lại câu hỏi đó với tư lệnh ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

Ông Cao Đức Phát nói trên thực tế thu nhập và cuộc sống của nông dân liên tục được cải thiện nhưng sự cải thiện đó không đồng đều giữa các vùng miền. Ở vùng núi cao, đồng bào dân tộc nói là được cải thiện đời sống nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn rất cao, có nơi 30% hoặc hơn. Sự cải thiện về thu nhập và mức sống của nông dân so với mức bình quân của cả nước, khoảng cách còn lớn, cải thiện chậm hơn. Tôi hiểu Chủ tịch hội nông dân Việt Nam chủ yếu nói ý này.

Vậy phải làm như thế nào? Cần rất nhiều nỗ lực. Thực tế, Bộ Chính trị. Trung ương Đảng, và Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều chương trỉnh, trong đó có tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đều nhằm mục tiêu cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Thứ nhất, Nông thôn mới hướng tới cải thiện toàn diện hơn điều kiện sống của cư dân nông thôn. Cách đây 30 năm đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới, chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.

Đổi mới bắt đầu từ trong nông nghiệp, trước cải cách đổi mới, ruộng đất tập trung ở hợp tác xã, trong lâm trường, nay giao cho nông dân sử dụng ổn định, lâu dài. Tiếp theo là cần tiếp tục đổi mới để cơ chế thị trường vận hành hiệu quả hơn.

Thứ hai, là tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp hiệu quả hơn. Chẳng hạn chính sách tạm trữ lúa gạo, Chính phủ đã báo cáo nhiều lần và tôi đã giải trình nhiều lần trước Quốc hội. Mục tiêu kích giá cao trở lại, không để giá xuống quá sâu thì phải tạo nhu cầu bổ sung.

* Như ông nói thì có rất nhiều ưu đãi, thế nhưng vì sao người nông dân bỏ quê ra tỉnh rất nhiều. Ông tham mưu gì cho Đảng, Nhà nước để giải quyết tình trạng này?

- Việc nông dân tìm việc làm ở khu vực kinh tế phi nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Nhìn các nền kinh tế phát triển hơn sẽ thấy, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm. Nhật chỉ còn 2,2 triệu nông dân. Mỹ cũng chỉ khoảng 2 triệu nông dân. Việt Nam có 23 triệu người làm trong nông nghiệp, trong khi đó 11 nước đối tác TPP của Việt Nam, chỉ có 20,5 triệu nông dân, trong đó Mexico đã là 13,5 triệu.

Nhìn Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai... nông nghiệp chỉ còn 5-7% nhưng nông dân chưa có được việc làm ở nhà máy, cơ sở dịch vụ vẫn bỏ ruộng. Họ bỏ quê đi làm các công việc phi chính thức, nhiều rủi ro để thu nhập cao hơn. Nhưng tại sao họ không có cuộc sống tốt hơn ở ngay quê hương mình, không phải đi vào khu vực nhiều rủi ro? Đó là vấn đề chúng tôi rất trăn trở.

Tất yếu Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ để tạo việc làm, thu hút lao động nông nghiệp và nông thôn, để đời sống nhân dân cao hơn. Tiếp tục phát triển ở ngay khu vực nông thôn nhanh và mạnh hơn.

Để người khó rời nông thôn vẫn có việc làm và đời sống tốt hơn, phải có chính sách phát triển công nghiệp và dịch vụ ở ngay vùng nông thôn, không phải lên các đô thị để tìm việc phi nông nghiệp.

Có ý kiến nói nông dân bỏ đi vì nông nghiệp thu nhập thấp. Thực ra có chỗ này chỗ khác, nông dân có thu nhập thấp hơn vì diễn biến thị trường. Nhưng tổng thể năng suất và thu nhập cao lên nhưng không bằng công nghiệp và dịch vụ.

Phải chấp nhận việc nông dân tự nguyện đóng góp

* Ở nhiều nơi để triển khai nông thôn mới, người nông dân phải góp sức, góp của cùng nhà nước phát triển hạ tầng, trong khi đó, người dân đô thị không phải chia gánh nặng với nhà nước. Liệu có công bằng?

- Để điều kiện sống ở nông thôn cải thiện nhanh hơn phải phát triển cơ sở hạ tầng, đòi nguồn lực to lớn. Ở nhiều địa phương, chính quyền và các cấp ủy đứng ra tổ chức người dân, bàn bạc và thống nhất sự đóng góp của bà con để thực hiện nhanh hơn, đáp ứng mong đợi. Bà con góp đất, công sức và cả tiền bạc để xây dựng cơ sở hạ tầng bà con cho rằng thiết yếu nhất

Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là đóng góp của nhân dân là dân chủ, do dân bàn và quyết định, không được gượng ép, gây khó cho nông dân.

Trong điều kiện khó khăn, cũng phải chấp nhận rằng nông dân tự nguyện đóng góp để thực hiện nhanh hơn một số nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở tự nguyện và dân chủ.

Còn đúng là thực tế, ở đô thị, nhà nước đầu tư làm đường, hệ thống điện nước đến các khu phố, gần từng gia đình do điều kiện đô thị khác. Chủ trương của Đảng, Nhà nước vẫn là hỗ trợ tối đa cho nông dân.

Theo VIỄN SỰ (ghi)

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên