MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Bộ Y tế lại thay trang phục bác sĩ?

26-05-2015 - 15:18 PM | Xã hội

Câu hỏi được đặt ra bởi Điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh, Khoa phẫu thuật tim mạch - lồng ngực bệnh viện Việt Đức trước đề xuất thay đổi trang phục do Bộ Y tế đề xuất.

Có nên phân biệt bác sĩ - điều dưỡng theo màu sắc?

Đề xuất thay đổi trang phục ngành y tiếp tục được Bộ Y tế lấy ý kiến, mặc dù vẫn tồn tại song song 2 luồng ý kiến đồng tình và không đồng tình song đa số ý kiến từ dư luận và những người trực tiếp làm trong ngành y là không đồng tình.

Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ hiện đang công tác tại bệnh viện Vĩnh Phúc cho rằng, việc phân biệt bác sĩ, điều dưỡng thông qua màu áo là việc làm cần thiết để tránh những hiểu lầm.

Chẳng hạn, trường hợp lúc bác sĩ đang khám chữa bệnh trong phòng hoặc đang trong ca trực, người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân không biết sẽ nhờ bác sĩ lấy nước, lấy bông gạc. Trong khi nếu có sự phân biệt qua màu sắc của áo người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân sẽ không nhầm lẫn như vậy.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi trung ương cho biết, không nên phân biệt màu sắc trang phục giữa bác sĩ, y tá, điều dưỡng, điểm cần phân biệt là kiểu dáng.

Cụ thể với bác sĩ kiểu dáng trang phục có thể được thiết kế trang nghiêm, lịch sự, thân thiện nhưng với điều dưỡng thiết kế cần mềm mại, có thể có họa tiết trang trí vì điều dưỡng là người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân.

Trường hợp phân biệt màu sắc chỉ khi vào chuyên môn cụ thể như trong phòng mổ, khoa hồi sức cần phân biệt để phù hợp với vấn đề vệ sinh và môi trường.

Ngoài ra, ông Hải cũng chia sẻ, quan điểm cá nhân của ông cũng như của các nhân viên y tế tại viện Nhi trung ương chưa thích bộ trang phục được Bộ Y tế đưa ra và lấy ý kiến. Vì tiêu chí của bệnh viện muốn làm thế nào để cán bộ công nhân viên, người chăm sóc bệnh nhân có trang phục lịch sự, thân thiện nhưng trang phục này chưa đạt tiêu chí này.

Mẫu trang phục đang được đưa ra lấy ý kiến

"Làm thế nào để có bộ trang phục y tế hết sức trang trọng nhưng đảm bảo thân thiện, lịch sự nên cần thiết kế trưng cầu ý kiến của cán bộ công nhân viên", ông Hải nói.

Một lý do khiến đề xuất thay đổi màu sắc trang phục đối với điều dưỡng bị phản đối vì đại diện Bộ Y tế từng cho biết, việc thay đổi màu trang phục y tế nhằm phân định giữa màu áo của bác sĩ với màu áo của điều dưỡng, màu áo của nhân viên hành chính để họ thấy rõ chức năng, nhiệm vụ. Thậm chí lấy dẫn chứng về việc những vị trí khác làm xấu hình ảnh bác sĩ trong mắt bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Khảo sát ý kiến từ một số điều dưỡng viên cho rằng, việc phân biệt trang phục bác sĩ và điều dưỡng với lý do trên hàm ý, điều dưỡng đang làm xấu hình ảnh của ngành y, coi đây là sự xúc phạm trong khi có thể dùng bản tên để phân biệt và đọc tên ai vi phạm.

Bác sĩ hay bệnh nhân là trung tâm?

Tiêu chí được Bộ Y tế đưa ra là bệnh nhân là trung tâm vì vậy theo điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh, Khoa phẫu thuật tim mạch - lồng ngực bệnh viện Việt Đức việc thay đổi trang phục cho bác sĩ cần được xem xét lại.

"Việc thay đổi trang phục của y bác sĩ có phải coi bệnh nhân là trung tâm hay không? Tôi cho rằng hơi mâu thuẫn vì thực tế hiện tại bệnh nhân mùa hè dùng quần áo vải cotton nhưng toàn miền bắc chưa cung cấp quần áo ấm cho bệnh nhân vào mùa đông để đáp ứng nhu cầu. Chất lượng quần áo hiện tại chưa phải bệnh viện nào cũng cung cấp quần áo phẳng phiu, nghiêm túc", anh Vinh nói.

Vì vậy, anh Vinh cho rằng nếu Bộ Y tế có kế hoạch thay trang phục nên ưu tiên thay trang phục cho bệnh nhân, đúng mục tiêu bệnh nhân là trung tâm.

Ngoài ra, anh Vinh cũng đưa ra một tính toán cho thấy nếu việc thay trang phục được đồng loạt diễn ra, chỉ riêng với số lượng điều dưỡng khoảng 60.000 người, mỗi người ít nhất 2 bộ, mỗi bộ có giá trị khoảng 300.000 đồng, chưa kể cơ sở y tế tuyến xã, huyện, do đó việc thay đổi trang phục cho điều dưỡng nói riêng đã không đơn giản.

 

Theo Tâm An

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên