Vì sao sân bay Tân Sơn Nhất nhiễu sóng lạ?
Sáng 16-6, gần 2.000 hành khách của 10 chuyến bay đang trên đường đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã không thể hạ cánh theo kế hoạch vì sự cố nhiễu sóng không lưu.
- 16-06-2015Sân bay Tân Sơn Nhất: Mất sóng không lưu 18 phút
- 12-06-2015Khó bắt quả tang trộm hành lý ở sân bay Tân Sơn Nhất
- 10-06-2015TP HCM nghiên cứu xây dựng metro đến sân bay Tân Sơn Nhất
Một nguồn sóng lạ đã đè lên các kênh điều hành ở sân bay này. Các chuyến bay phải bay vòng chờ hoặc hạ cánh xuống sân bay khác.
Sự cố này khiến đài kiểm soát không lưu phải sử dụng hệ thống dự phòng để liên lạc với các máy bay đang nằm trong vùng kiểm soát.
Nhiều chuyến bay bị chậm
Bà Nguyễn Thị Thành cho biết bà cùng người thân đi trên chuyến bay BL 519 của Hãng hàng không Jetstar Pacific (JP) dự kiến khởi hành từ Hải Phòng lúc 14g20 ngày 16-6 đi TP.HCM nhưng chờ mãi đến 15g40 mới bắt đầu lên máy bay.
Đến 16g, khi máy bay chuẩn bị lăn bánh thì được thông báo có sự cố kỹ thuật nên phải quay lại nhà ga để chờ. “Chuyến bay chẳng hiểu sao lại chậm, chỉ nghe nói là máy bay về trễ hơn dự kiến. Sau khi lên máy bay lại được thông báo máy bay bị trục trặc kỹ thuật” - bà Thành bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện JP cho biết chuyến bay đã bị hoãn trễ hơn lịch bay ban đầu do ảnh hưởng của sự cố can nhiễu tần số điều hành bay tại sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra sáng 16-6.
Đến khi chuẩn bị cất cánh, kỹ thuật viên lại phát hiện máy bay bị trục trặc kỹ thuật cần phải kiểm tra. Sự cố can nhiễu tần số điều hành bay đã diễn ra ngay vào khoảng thời gian cao điểm buổi sáng nên các chuyến bay có lịch khởi hành tại sân bay Tân Sơn Nhất đã chậm ít nhất 30 phút so với lịch bay thường lệ.
Riêng chuyến bay của hãng này từ Đà Nẵng đến TP.HCM mang số hiệu BL 591 đã phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột lúc 8g20, sau đó mới khởi hành quay lại TP.HCM.
Tính đến thời điểm hạ cánh, chuyến bay đã bị trễ hơn 120 phút, làm ảnh hưởng trực tiếp đến các chuyến bay khác cũng do máy bay này phục vụ.
Sự cố làm ảnh hưởng dây chuyền liên tiếp đến các chuyến bay trong ngày và càng về cuối ngày thời gian chậm chuyến càng lâu hơn. Đến 17g20, chuyến bay BL 519 đã khởi hành đi TP.HCM, trễ hơn giờ dự kiến ba giờ.
Tần số đài kiểm soát bị “đè”?
Trước đó vào sáng 16-6, hệ thống liên lạc không lưu tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã gián đoạn một thời gian. Các hãng hàng không cho biết nhiều chuyến bay không thể cất - hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất trong vòng nhiều phút.
Những máy bay đang chuẩn bị hạ cánh buộc phải bay vòng trên không hoặc hạ cánh xuống sân bay dự bị. Tổng giám đốc một hãng hàng không xác nhận với Tuổi Trẻ hãng của ông đã có một số chuyến bay không thể cất cánh cũng như hạ cánh trong khoảng thời gian trước và sau 8g sáng 16-6.
Trao đổi với chúng tôi, cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết sự cố can nhiễu trên tần số điều hành bay tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu lúc 7g47 và kéo dài trong vòng 18 phút.
Đến 8g05 việc thông tin liên lạc đã diễn ra bình thường, trong khoảng thời gian này cơ sở điều hành bay đã thiết lập hệ thống dự phòng để liên lạc giữa mặt đất và các máy bay trên không cũng như nằm chờ trên mặt đất.
Theo ông Thanh, trong khoảng thời gian này trên vùng bay Tây Sơn Nhất có sáu máy bay đường dài đang đến và ba chuyến chuẩn bị hạ cánh.
Đài kiểm soát không lưu đã yêu cầu các máy bay này tiến hành bay chờ, trong đó có một chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh.
Một nguồn tin Tuổi Trẻ cho biết sự cố can nhiễu trên tần số điều hành bay là do bị một nguồn sóng khác tương đối mạnh đè lên phủ sóng trên các tần số điều hành các đài kiểm soát.
Sự cố này đã khiến việc điều hành bay của đài kiểm soát không lưu bị gián đoạn.
Rà soát nguồn gây nhiễu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết sự cố xảy ra tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sáng 16-6 không uy hiếp trực tiếp đến an ninh hàng không và đây cũng không phải là lần đầu tiên mà việc tương tự đã diễn ra trên hệ thống kiểm soát bay đường dài hoặc tại một số khu vực sân bay.
Theo ông Thanh, từng xảy ra việc can nhiễu tần số trên kiểm soát bay đường dài với thời gian lâu hơn sự cố ở sân bay Tân Sơn Nhất nhưng không uy hiếp đến an toàn bay.
Ông Thanh cũng cho biết các cơ quan chức năng của ngành hàng không đang phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin - truyền thông) để tìm hiểu nguyên nhân sự việc.
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay VN Đinh Việt Thắng cho biết ngay trong ngày đã cùng với Cục Tần số vô tuyến điện rà lại nguồn có thể gây nhiễu để xử lý dứt điểm khả năng có thể xảy ra hiện tượng này.