MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình “trả bài” Quốc hội: Vượt mọi chỉ tiêu

16-11-2013 - 09:41 AM | Xã hội

Ít có bản báo cáo hậu chất vấn nào nhiều thông tin lạc quan như báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa gửi đến Quốc hội.

Cũng như rất nhiều vị tư lệnh của các ngành khác, trước phiên chất vấn trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu bắt đầu từ sáng 19/11 tới đây, Viện trưởng Bình hoàn thành báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 52 của Quốc hội về chất vấn tại kỳ họp thứ 5.

Tại đây, ông Bình cho biết, ngay sau phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2013), lãnh đạo Viện Kiếm sát nhân dân Tối cao đã chỉ đạo viện cấp sát hai cấp đánh giá làm rõ nguyên nhân những thiếu sót, hạn chế, đặc biệt nguyên nhân dẫn đến việc chưa hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội giao trước đó.

Cụ thể, Viện trưởng đã yêu cầu toàn ngành bảo đảm kiểm soát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố, kiểm soát chặt chẽ hoạt động điều tra, bảo đảm truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đúng thời hạn, không để tồn đọng kéo dài.

Ông Bình còn yêu cầu kiểm sát thật chặt chẽ các trường hợp kiểm sát viên đề nghị tòa án cho bị cáo phạm tội tham nhũng hưởng án treo. Kiên quyết kháng nghị đối với bị cáo phạm tội tham nhũng mà tòa án cho hưởng án treo không đúng. Yêu cầu viện kiểm sát các cấp không áp dụng tình tiết “phạm tội lần đầu”, “bị cáo có nhân thân tốt” nhằm xem xét cho bị cáo hưởng án treo…

Quán triệt chỉ đạo này, viện kiểm sát nhân dân các cấp đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nhiều biện pháp cụ thể, hữu hiệu để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp.

Việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội, nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại nghị quyết 52 đều đạt kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu vượt yêu cầu, báo cáo nêu rõ.

Theo đó, 4/4 chỉ tiêu cơ bản được giao đều vượt. Vượt kiểm sát các cấp đã kiểm sát 100% các vụ án ngay từ khi khởi tố. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,3% (vượt chỉ tiêu được giao 9,3%). Tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,7% (vượt chỉ tiêu 4,7%). Còn tỷ lệ kháng nghị các loại án được tóa án chấp nhận đạt 81% (vượt chỉ tiêu 11%). Nhiều loại kháng nghị có tỷ lệ tòa án chấp nhận tăng so với năm trước.

Trong năm, ngành đã ban hành hơn 10.300 kiến nghị, kháng nghị (tăng 21%) yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm, xử lý nghiêm minh trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.

Do kiểm sát chặt chẽ hơn, nên số vụ án viện kiểm sát yêu cầu khởi tố tăng 20,8%. Năm 2013, viện kiểm sát đã ban hành hơn 65.500 bản yêu cầu điều tra, yêu cầu thay đổi 91 quyết định khởi tố vụ án, hủy 266 quyết định khởi tố bị can, yêu cầu khởi tố 470 bị can khác (tăng 22,7%), trực tiếp khởi tố 10 bị can. Tỷ lệ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung giảm nhẹ. Số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm nhiều (cơ quan điều tra giảm 49,3%, viện kiểm sát giảm 51,8%).

Liên quan đến yêu cầu nâng cao chất lượng công tác truy tố, người đứng đầu ngành kiểm sát khẳng định đã nỗ lực phấn đấu, chú trọng các vụ án trọng điểm, án tham nhũng, kinh tế, chức vụ và những vụ án được dư luận xã hội quan tâm, góp phần đảm bảo tiến độ giải quyết án, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tòa án phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.

Theo Viện trưởng, chất lượng, hiệu quả tranh tụng của kiểm sát viên tại tòa có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm, không có trường hợp kiểm sát viên từ chối không tranh luận, đối đáp với luật sư, người bào chữa. Điều đó được cho là đã góp phần bảo đảm phán quyết của tòa án khách quan, chính xác, đúng sự thật, không bỏ lọt tội phạm, chạn chế các trường hợp oan sai.

Đáng chú ý, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, những tháng vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao độ để khẩn trương đưa những vụ án kinh tế chức vụ, tham nhũng lớn ra xét xử sớm nhất có thể.

Từ tháng 8/2013 đến nay, cơ quan điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm. Viện đã khẩn trương nghiên cứu truy tố 6 vụ ra trước Tòa án Nhân dân Tp.HCM và Hà Nội để xét xử, ủy quyền cho viện kiểm sát tại hai thành phố này thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Theo dự kiến, Tòa án Nhân dân Tp.HCM sẽ xử 2 vụ vào tháng 11 năm nay. 4 vụ còn lại sẽ xét xử trong tháng 12 và đầu quý 1/2014, báo cáo cho hay.

Thực hiện lời hứa trước Quốc hội về vụ án “vườn Mít” tại Bình Phước, Viện trưởng Bình đã quyết định thành lập tổ công tác tổ chức nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, hiện trường vụ án, phân công 1 lãnh đạo Viện trực tiếp theo dõi, chỉ đạo giải quyết vụ án. Đến 30/8/2013, Tòa phúc thẩm hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao tại Tp.HCM đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, bảo đảm công khai, tranh luận dân chủ.

Kết quả tòa tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm tuyên Lê Bá Mai phạm tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người” với án tù chung thân. Phiên tòa được dư luận đồng tình, đến nay các cơ quan có thẩm quyền không kháng nghị đối với bản án, ông Bình báo cáo.

Đánh giá chung, Viện trưởng Bình thêm một lần nhấn mạnh kết quả tích cực của ngành trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội. Chất lượng các mặt công tác đều được nâng lên. Có lẽ vì thế mà báo cáo không đề cập gì đến hạn chế, tồn tại như nhiều báo cáo của các vị tư lệnh ngành khác.

Theo Nguyên Vũ

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên