MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ "Con tàu giá gần 500 tỷ đồng đang ở đâu?": Trách nhiệm thuộc về ai?

23-10-2014 - 16:34 PM | Xã hội

Như chúng tôi đã đưa tin, hiện NHPT Việt Nam chi nhánh Kiên Giang (VDB Kiên Giang) đang gánh món nợ thay cho Cty Quốc Việt với hơn 600 tỷ đồng do việc ký chứng thư bảo lãnh (CTBL) sai quy định.

Như chúng tôi đã đưa tin, hiện Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Kiên Giang (VDB Kiên Giang) đang gánh món nợ thay cho Công ty Quốc Việt với hơn 600 tỷ đồng do việc ký chứng thư bảo lãnh (CTBL) sai quy định.

Gần 4 năm qua con tàu chở dầu gần 500 tỷ đồng chẳng biết ở đâu trong khi ngân sách phải xuất ra hàng chục tỷ để trả lãi thay cho doanh nghiệp (DN). Biết không thể giấu được nữa, VDB Kiên Giang tiến hành kiểm điểm.

Ông Phan Vũ Khanh, người trực tiếp thẩm định hồ sơ DA, cho rằng đến năm 2013 một số sai sót vẫn chưa thể khắc phục và khẳng định VDB Kiên Giang đã phát hành thông báo chấp nhận bảo lãnh trong khi chưa thực hiện theo nội dung chỉ đạo của VDB Việt Nam, chưa rà soát kỹ nội dung nêu trong hợp đồng (HĐ) thuê tàu chính thức dẫn đến DA gặp rủi ro, chưa có cơ sở chứng minh DN chuyển vào tài khoản tiền gởi mở tại ngân hàng thương mại (NHTM) là vốn sở hữu của DN...

Điều khá bất ngờ khi ông Khanh thừa nhận DA trên được Ban giám đốc VDB Kiên Giang giao Phòng Tín dụng tiếp nhận, thẩm định để báo cáo với VDB Việt Nam, nhưng chi nhánh không gởi hồ sơ về hội sở chính để giám sát sau khi phát hành CTBL. Thẩm định xong, phòng báo cáo với Ban giám đốc VDB Kiên Giang.

Ngày 30-3-2010, ông Đỗ Hoàng Nhơn - Giám đốc VDB Kiên Giang - gởi văn bản kèm DA cho VDB Việt Nam. Ngày 7-5-2010, VDB Việt Nam có công văn về việc bảo lãnh cho phía Quốc Việt vay vốn của NHTM phải bổ sung để hoàn thiện hồ sơ.

Ngày 13-5-2010, công ty bổ sung HĐ thuê tàu chính thức trong vòng 10 năm. Trước đó 3 ngày, phía Quốc Việt ký HĐ vay vốn với Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Tây Hà Nội bằng CTBL của VDB Kiên Giang. Như vậy, "nhờ" DA có quá nhiều sai sót từ khâu thẩm định, nguồn gốc tàu, vốn sở hữu... mà Công ty Quốc Việt được giải ngân gần 500 tỷ đồng khi hồ sơ DA không được VDB Kiên Giang thực hiện theo chỉ đạo của VDB Việt Nam.

Ông Khanh viện giải: "Do DA lớn, không thuộc phân cấp của VDB Kiên Giang nhưng khi chúng tôi gởi hồ sơ, VDB Việt Nam nhiều lần kiểm tra, thẩm định vẫn không nhắc nhở, cảnh báo... nên để xảy ra sai sót". Tương tự, ông Trần Minh Hiệp, chuyên viên Phòng Tín dụng VDB Kiên Giang, nhìn nhận bản thân chưa có kinh nghiệm xử lý đối với DA lớn như trên nên để xảy ra sai sót trong quá trình thẩm định hồ sơ, mong được đào tạo thêm về nghiệp vụ...

Do phía Quốc Việt thoái thác thanh toán nợ, VDB Kiên Giang đã trả một phần lãi thay từ nguồn vốn ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính chuyển sang nằm trong gói kích cầu của Chính phủ năm 2009. Về lâu dài, ông Khanh cam kết sẽ tập trung theo dõi chặt chẽ nguồn thu từ việc cho thuê tàu và các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty để thu hồi nợ.

Nhưng điều khiến dư luận bức xúc là năm 2013, ông Khanh được đề bạt từ Trưởng phòng Tín dụng lên Phó giám đốc VDB Kiên Giang trước sự kinh ngạc của nhiều người; còn ông Hiệp lẳng lặng rời nhiệm sở về U Minh Thượng kinh doanh buôn bán.

Một cán bộ hưu trí lên tiếng: "Trong khi DN và người dân rất cần vốn thì 500 tỷ đồng bị ném qua cửa sổ hết sức lãng phí. Điều người dân tỉnh Kiên Giang cần là cơ quan chức năng phải xử lý trách nhiệm cán bộ gây thất thoát ngân sách, tránh để vụ án chìm xuồng".                     

            Theo Thiện Thảo

cucpth

Công an TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên