MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ vỡ đường ống nước Sông Đà: Chẳng lẽ không còn sự lựa chọn khác?

17-07-2014 - 17:05 PM | Xã hội

Vinaconex đang muốn “sửa sai” bằng cách triển khai giai đoạn 2 của dự án cung cấp nước cho Hà Nội.

Nhưng khi đường ống cấp nước của họ đã vỡ đến lần thứ 9, thì người dân Hà Nội còn niềm tin vào doanh nghiệp hay không?

Chẳng cần phải nói nhiều thì tất cả đều hiểu sự bức xúc của hàng trăm nghìn người dân Thủ đô phải chịu cơ cực khi đến 9 lần liên tiếp đường ống dẫn nước từ sông Đà của Vinaconex gặp sự cố. Người xưa nói “quá tam ba bận” đã là quá mà nay số lần vỡ của đường ống nước đã gấp 3 lần con số đó.

Doanh nghiệp cũng đã chính thức đưa ra lời xin lỗi, nhưng đó là một lời xin lỗi muộn màng và dường như còn thiếu sự thành tâm. Bởi nó chỉ được đưa ra sau khi đường ống vỡ đã vỡ đến lần thứ 9, còn phía Hà Nội thì tuyên bố rằng đã “hết kiên nhẫn” và đã tính đến phương án đầu tư một đường ống khác để tránh phải phụ thuộc vào Vinaconex.

Nghe rằng TP Hà Nội đã chọn phương án để doanh nghiệp này đầu tư xây dựng đường ống nước thứ 2. Dĩ nhiên, phương án này cũng có phần có lý. Bởi dự án Nhà máy nước sông Đà giai đoạn 1 và đường ống truyền dẫn từ Hòa Bình về đến vành đai 3 Hà Nội là do Vinaconex đầu tư xây dựng, còn TP Hà Nội là khách hàng mua nước sạch của Công ty Nước sạch Vinaconex tại điểm cuối của tuyến ống truyền dẫn là đường vành đai 3.

Nói cách khác, tuyến đường ống liên tục vỡ trước hết là vấn đề của Vinaconex, vì đó là tài sản của họ.

Nhưng từ quan điểm của người tiêu dùng, đây không phải là một phương án thuyết phục. Trong trường hợp này, Vinaconex là người bán hàng, còn TP Hà Nội là khách hàng. Người tiêu dùng Hà Nội hoàn toàn có quyền từ chối việc sử dụng dịch vụ cung cấp nước của Vinaconex, nếu thấy không hài lòng, thấy rằng chất lượng phục vụ mà họ nhận được không đáp ứng. Vấn đề của “thượng đế” trong trường hợp này là biết hàng hóa kém chất lượng, dịch vụ phục vụ không ổn định, nhưng chẳng lẽ không còn lựa chọn nào khác?

Còn phương án Hà Nội làm chủ đầu tư, bỏ tiền ngân sách ra để xây dựng tuyến đường ống mới cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh ngân sách còn phải lo cho rất nhiều mục tiêu khác. Đó là chưa kể, nó dễ khiến người ta nghĩ Hà Nội đang “chữa cháy” giúp doanh nghiệp bằng tiền ngân sách.

Phương án khả thi nhất trong trường hợp này, là “khách hàng” Hà Nội trước hết cần siết chặt lại các điều khoản trong hợp đồng mua bán nước sạch với Vinaconex. Uy tín doanh nghiệp đã bị tổn hại là cái giá mà họ phải trả khi đường ống liên tục vỡ, nhưng vẫn rất cần những biện pháp mang tính chế tài sòng phẳng để bảo đảm công bằng giữa người mua-kẻ bán: Bán hàng kém chất lượng thì tùy mức độ mà phải giảm giá, trả lại tiền, thậm chí bồi thường thêm. Lời xin lỗi của doanh nghiệp và chuyện khắc phục là đương nhiên, nhưng chưa đủ.

Mặt khác, tại sao không tính đến việc để các doanh nghiệp khác cũng có tiềm lực về tài chính và cả công nghệ tham gia xây dựng và vận hành tuyến đường ống mới, và rộng hơn nữa là đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ cung ứng nước sạch. Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã cho biết sẽ thực hiện thí điểm xã hội hóa dịch vụ cung cấp nước sạch trên một loạt địa bàn. Việc xã hội hóa như thế sẽ giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước, trong khi vẫn thực hiện được mục tiêu nâng tỉ lệ người dân được tiếp cận nguồn nước sạch, bảo đảm cấp nước liên tục, giảm thất thoát, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước…

Chỉ cần có hơn một lựa chọn, những “thượng đế” ở Thủ đô sẽ không còn phải  “kiên nhẫn” chịu đựng người bán hàng mất tín nhiệm Vinaconex và có lẽ những vấn đề khác liên quan đến nước sạch cũng được giải quyết. Thay vì những lời buộc tội nặng nề, chẳng hạn như phải “truy cứu trách nhiệm hình sự”, nên để bàn tay của thị trường giải quyết vấn đề.

>>> Vinaconex nhận trách nhiệm việc đường ống nước Sông Đà vỡ liên tiếp
Theo Kim Tuấn

ngatt

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên