MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xin tăng biên chế: Hà Nội thiếu bao nhiêu?

09-06-2014 - 08:59 AM | Xã hội

"Hà Nội phải minh bạch, số lượng giáo viên là bao nhiêu, thiếu bao nhiêu, tuyển như thế nào"... các ĐBQH yêu cầu.

Trò tăng, lớp tăng... thầy phải tăng

Ông Đinh Xuân Thảo - Đại biểu Hà Nội cho rằng, không có sự mâu thuẫn trong phát ngôn của lãnh đạo thành phố khi quyết định tăng thêm 8.507 biên chế cho ngành giáo dục.

Ông Thảo nói, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc từng cho biết từ nay tới năm 2016, thành phố cơ bản không tăng thêm biên chế.

Qua đó, Hà Nội sẽ tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp của thành phố để tinh giảm biên chế, đưa ra khỏi biên chế những trường hợp năng lực, phẩm chất kém, sức khỏe yếu, hiệu quả, chất lượng công tác không đạt yêu cầu; kiên quyết cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, thay thế những người không đủ khả năng với công việc tương ứng được giao.

Thành phố sẽ thực hiện nguyên tắc số công chức tuyển dụng mới vào công vụ không quá 50% số công chức đã ra khỏi biên chế; 50% biên chế còn lại để bổ sung cho những lĩnh vực cần tăng.

Phát ngôn này của Phó Chủ tịch là nói chung với công chức viên chức trong bộ máy công quyền các huyện, xã khi Hà Tây mới sáp nhập về Hà Nội. Khi đó, thành phố đã phải rà soát để giảm bớt một số lượng công chức, viên chức nhất định.

Riêng Hà Nội, đối với khối sự nghiệp đặc biệt giáo dục và y tế thành phố phải đảm bảo đủ nhân sự để phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội.

"Trò tăng, lớp tăng thì thầy cũng phải tăng thôi. Nếu xã hội ngày càng phát triển mà thầy cô không đáp ứng được đầy đủ thì cũng không thể đảm bảo được tốc độ phát triển của xã hội", ông Thảo nói.

Do đó, hai con số này không hoàn toàn mâu thuẫn, chủ trương giảm của thành phố là giảm để cân đối những ngành khác và tăng cường cho y tế, giáo dục.

Tuy nhiên, ông Thảo cho biết, lĩnh vực tuyển dụng biên chế cũng là lĩnh vực thường phát sinh những tiêu cực, tham nhũng.

"Chúng ta cứ cho rằng 100 triệu một suất chạy biên chế là nhiều, nhưng khi"cung" còn nhiều hơn "cầu" thì đó là yêu cầu thật".

Vì vậy, để ngăn chặn được tình trạng này thì HĐND thành phố phải có một cơ chế giám sát hiệu quả.

Tăng biên chế: Hà Nội thiếu bao nhiêu?

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa ra quyết định về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của TP năm 2014.

Tổng số chỉ tiêu tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở mầm non, tiểu học, giáo dục năm 2014 này là 8.507 chỉ tiêu. Trong đó chủ yếu là viên chức ngạch giáo viên 8064 người, với hơn 1 nghìn giáo viên tiểu học, hơn 6 nghìn giáo viên mầm non, và hơn 600 chỉ tiêu còn lại thuộc hệ giáo viên THCS.

443 chỉ tiêu trong năm nay được Hà Nội tuyển dụng cho viên chức ngạch nhân viên, được phân bổ khá đồng đều tại các hệ THCS, tiểu học, mầm non.

Quyết định tuyển dụng biên chế cho ngành giáo dục năm 2014 được đưa ra trên cơ sở đề nghị của giám đốc Sở Nội vụ và giám đốc Sở GD&ĐT.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương không bất ngờ, tuy nhiên vị đại biểu này yêu cầu "Hà Nội phải minh bạch con số biên chế giáo viên trên Hà Nội là bao nhiêu, thiếu bao nhiêu, thiếu thế nào..."?

Ông Cương cho rằng, nhu cầu tuyển dụng vào bộ máy nhà nước là nhu cầu thường xuyên, không thể nói, không ai có thể nói không tuyển dụng nữa. Nhất là trong lĩnh vực giáo dục, vì hàng năm luôn có người nghỉ hưu, điều chuyển hoặc bị kỷ luật như vậy phải bổ sung... không thể cứ lấy chỗ thừa đắp vào chỗ thiếu.

Nhưng trước khi thực hiện tuyển dụng,vị đại biểu này đề nghị Hà Nội phải minh bạch nhu cầu thực của Hà Nội là thế nào.

Để đưa ra con số tuyển dụng bao nhiêu, Hà Nội phải đánh giá dựa trên nhu cầu thực, ngành giáo dục phát triển thế nào, hiện có bao nhiêu giáo viên, chất lượng giáo viên thế nào, biên chế đã đủ với tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục hay chưa... tất cả phải được minh bạch.

"Không thể vì thấy tiêu cực mà không tuyển dụng, nhưng tuyển dụng phải hiệu quả, minh bạch", ông Cương nói.

Trước đó, ngày 7/12/2012, theo phát biểu của ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội - tại cuộc họp của HĐND TP thì việc “chạy” công chức không dưới 100 triệu đồng.

“Chất lượng thi công chức của chúng ta không ổn. Có thông tin rằng để đỗ được công chức phải chạy mất không dưới 100 triệu đồng. Cái này tập trung ở những đầu mối tiếp nhận hồ sơ…”, đại biểu Trần Trọng Dực nói.

Ngày 17/12/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị khi đã có thông tin về nạn tiêu cực trong thi tuyển công chức thì lãnh đạo Hà Nội cần phải đi thanh tra, kiểm tra ngay để làm rõ vấn đề.

Thế nhưng, kết quả của đoàn kiểm tra việc thi tuyển công chức tại 29 quận, huyện của Hà Nội, chỉ có huyện Ứng Hòa có một số cán bộ sai phạm khi nâng điểm cho thí sinh, nhưng việc này đã được huyện kiểm tra từ trước khi có thông tin chạy công chức 100 triệu. Như vậy là không tìm ra hiện tượng chạy chức.

>>>Hà Nội đột nhiên tăng biên chế, chạy chức tìm không ra

Theo Hiếu Lam

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên