MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu lao động: Tiềm năng lớn, rào cản nhiều

06-08-2015 - 09:09 AM | Xã hội

Kết quả xuất khẩu lao động được trong 6 tháng đầu năm được coi là tín hiệu vui với ngành Lao động, song công tác này đang tồn tại nhiều bất ổn, nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu đến tiềm năng của ngành kinh tế này.

Thiếu ổn định

Báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 6, các DN xuất khẩu lao động (XKLĐ) đưa được hơn 56.000 người đi làm việc ở nước ngoài, bằng 102% so với cùng kỳ 2014 và đạt 59% so với kế hoạch năm.

Tuy nhiên, theo ông Tống Hải Nam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, mặc dù số người lao động đi làm việc ở nước ngoài có tín hiệu khả quan song công tác XKLĐ hiện vẫn tồn tại nhiều vấn đề.

Theo ông Tống Hải Nam, qua công tác kiểm tra thực tế thời gian qua, có tình trạng DN tuyển chọn lao động quảng cáo vượt quá sự thật; tuyển lao động, đào tạo nhưng không tổ chức đưa đi mà chuyển nguồn lao động cho DN khác có hợp đồng tổ chức đưa đi... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến mức phí người lao động phải đóng cao hơn so với mức giá chung.

"Ngoài ra, có tình trạng giành giật đơn hàng của nhau với chi phí thấp nhằm tranh giành hợp đồng. Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh này khiến thị trường XKLĐ càng nhốn nháo, bất ổn định", ông Nam cho biết.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh- Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Cung ứng nhân lực quốc tế (thuộc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật và Xuất khẩu - TECHSIMEX) cho biết, mặc dù hoạt động lâu năm tại hai thị trường Nhật Bản và Ả rập Xê út, nhưng TECHSIMEX vẫn gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển dụng, có thời điểm Công ty phải mua nguồn lao động với giá cao của các DN khác do những DN cùng ngành đưa ra mức chi phí đi XKLĐ thấp hơn mức giá chung để "dụ" người lao động.

Bên cạnh đó ông Tống Hải Nam cũng thông tin, hiện nhiều DN, sau khi được cấp phép hoạt động XKLĐ liền ủy thác hết công việc cho các văn phòng đại diện, trung tâm đào tạo, địa điểm kinh doanh thực hiện công tác tuyển chọn, đào tạo, thu tiền, ký hợp đồng với người lao động.

"Điều này dẫn đến tình trạng DN không kiểm soát được chất lượng, số lượng lao động đưa đi, đến khi có vụ việc xảy ra với lao động và được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết thì DN lúng túng, có trường hợp còn đùn đẩy trách nhiệm", ông Nam lo ngại.

Tuy nhiên vị Phó Cục trưởng này cũng thẳng thắn thừa nhận, ngoài những hạn chế về phía DN còn có nguyên nhân từ người lao động.

Ông Nam dẫn chứng, hiện có tình trạng người lao động khi đi XKLĐ đặt mục đích cá nhân lên quá cao. Ví dụ như đối với thị trường lao động mang lại thu nhập cao, người lao động sau khi hết hợp đồng phải về nước, nhưng cố tình trốn ở lại để lao động bất hợp pháp và điều này ảnh hưởng lớn đến hợp tác lao động hai bên giữa nước ta và nước đối tác và DN.

Còn đối với những thị trường mà người lao động được hỗ trợ tối đa, không mất các khoản phí thì khi sang đến nước sở tại, do không đạt được mục đích cá nhân, người lao động sẵn sàng viện đủ lý do để phá hợp đồng, yêu cầu DN phải đưa về nước, dẫn đến DN thiệt hại nặng nề về uy tín và tài chính để đền bù cho người sử dụng lao động.

Mạnh tay xử lý sai phạm

Để chấn chỉnh những bất cập đang tồn tại trong công tác XKLĐ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm của các DN theo quy định pháp luật. Nhất là đối với các công ty không trực tiếp tuyển chọn, đào tạo và thu tiền của người lao động... "Thu hồi giấy phép đối với những DN vi phạm hoặc hoạt động không hiệu quả trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, phối hợp cơ quan ngoại giao tìm kiếm cơ hội mở các thị trường mới, cũng như các ngành nghề mới, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người lao động. Đồng thời, tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài", Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân- Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam kiến nghị, để giải quyết tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong cùng một thị trường, tại các thị trường trọng điểm thu hút nhiều lao động, cần sớm thành lập Ban tập hợp các DN tham gia đưa lao động đi làm việc tại thị trường đó. Cùng với chính sách chung của Nhà nước, Ban phải có trách nhiệm thống nhất, chỉ đạo các DN, đưa ra tiếng nói chung về cùng một mức phí, vấn đề đào tạo cho người lao động...

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng, để hạn chế những bất cập đang tồn tại trong công tác XKLĐ, cần nâng cao chất lượng nguồn tuyển dụng, các DN cần có cơ chế phối hợp các trường dạy nghề trong đào tạo, để được cung ứng nguồn lao động chất lượng tốt.

Cảnh báo về tình trạng một số DN lợi dụng lòng tin của người lao động để lừa đảo tiền, ông Tống Hải Nam khuyến cáo, người lao động có nguyện vọng đi XKLĐ cần tìm hiểu kỹ thông tin về DN ký kết hợp đồng lao động, thỏa thuận cụ thể về mức lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt, khí hậu, phong tục tập quán của nước sở tại và phải có sức khỏe phù hợp trước khi quyết định đi làm việc.

 

 

Theo Minh Châu

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên