MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời tiết tháng 5 biến động: Nhiệt độ thay đổi "chóng mặt", từ nắng nóng sang gió bấc

15-05-2019 - 21:17 PM | Sống

Theo thông tin dự báo thời tiết mới nhất, miền Bắc và miền Trung đón một đợt nắng nóng diện rộng từ ngày 16 đến 19/5.

Theo dự báo của các nhà khoa học , do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cùng với tác động của biến đổi khí hậu nhân tạo (từ hoạt động sản xuất, giao thông, sinh hoạt của con người), năm 2019 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại, National Geographic thông tin.

Thời tiết biến động khôn lường trên thế giới

Chẳng để con người phải đợi lâu, thời tiết năm 2019 đang chứng minh dự báo của các nhà khoa học là đúng đắn. Đầu năm 2019, trên toàn thế giới đã chứng kiến những tác động mạnh mẽ của thời tiết khắc nghiệt, cực đoan, bao gồm: Nắng nóng kỷ lục, cháy rừng và mưa ở Nam Mỹ và Australia; Lạnh khủng khiếp tại Bắc Mỹ; Tuyết rơi dày đặc ở dãy Alps (châu Âu) và dãy Himalaya (châu Á).

Theo Chương trình biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), tính đến năm 2019, nhiệt độ toàn cầu đã tăng thêm 0,4 độ C so với trung bình tháng Một từ năm 1981 đến năm 2010.

Thời tiết tháng 5 biến động: Nhiệt độ thay đổi chóng mặt, từ nắng nóng sang gió bấc - Ảnh 1.

Ông Petteri Taalas, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO)

Petteri Taalas, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhận định: "Ở cấp độ toàn cầu, do ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu, các kỷ lục lạnh đã giảm. Tuy nhiên, việc nhiệt độ giảm sâu và tuyết rơi kỷ lục vẫn là một phần của dạng thời tiết điển hình trên hành tinh chúng ta trong mùa đông ở Bắc Bán Cầu. Chúng ta cần phân biệt giữa thời tiết hàng năm ngắn hạn và khí hậu dài hạn.

Bắc Cực đã, đang phải đối mặt với sự nóng lên toàn cầu. Một phần lớn tuyết và băng tại Bắc Cực đã tan chảy. Nhưng thay đổi này ảnh hưởng đến các kiểu thời tiết ngoài Bắc Cực ở khu vực Bắc Bán Cầu. Những gì xảy ra ở hai cực đang gây ảnh hướng đến điều kiện thời tiết và khí hậu ở vĩ độ thấp - nơi sinh sống của hàng trăm triệu người."

Riêng đối với Australia, đây là quốc gia phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng và sóng nhiệt kỷ lục. Quốc gia này phải đối mặt với nhiều loại thời tiết cực đoan bậc nhất trên thế giới. Theo dữ liệu của Cục Khí tượng Australia:

- Cuối tháng 1, đầu tháng 2, tiểu bang Queensland phải chịu những trận mửa kỷ lục do ảnh hưởng của gió mùa. Riêng thị trấn Townsville (bang Queensland) đã nhận được lượng mưa một năm trong vòng 9 ngày, gây lũ lụt, khiến hàng trăm người phải sơ tán.

- Vào tháng 1/2019, Australia đã phải trải qua tháng Một nóng nhất trong lịch sử nước này, Cục Khí tượng nước này cho hay. Đây là khoảng thời gian diễn ra hàng loạt các sóng nhiệt mới, với quy mô và thời lượng chưa từng có, riêng tại bang Tasmania đã có tháng Một khô nhất trong lịch sử. Thành phố Adelaide (Nam Australia) đạt mức nhiệt kỷ lục 46,6 độ C ngày 24/1. Khủng khiếp hơn, các nơi khác của Nam Australia hứng chịu nhiệt độ cực kỳ cao như: Whyalla 48,5 độ C, Caduna 48,6 độ C, Cảng Augusta 49,1 độ C.

Thời tiết tháng 5 biến động: Nhiệt độ thay đổi chóng mặt, từ nắng nóng sang gió bấc - Ảnh 2.

Australia đang trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục. Ảnh minh họa: MSN.com

Sóng nhiệt đang trở nên dữ dội hơn, kéo dài và thường xuyên hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu và xu hướng này dự kiến ​​sẽ tiếp tục. Thời tiết nắng nóng, khô hạn đã khiến các vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra tại Australia. Tính đến ngày 28/1, Sở cứu hỏa Tasmania đã báo cáo 44 vụ cháy, trong đó vụ cháy thiêu rụi hơn 40.000 ha rừng.

Ngoài Australia, thì miền nam châu Phi và miền đông Brazil là những nơi rất khô hạn. Các khu vực khác cũng chịu nhiệt độ trung bình cao hơn nhiều so với các năm trước gồm Trung Đông, Mông Cổ và đông bắc Trung Quốc.

Trong khi đó, dãy Alps tại châu Âu lại hứng chịu những đợt tuyết rơi nhiều hơn mức trung bình hàng năm. Dọc theo các khu vực phía bắc của miền Đông Địa Trung Hải và phía tây bắc của Tây Ban Nha, lượng mưa cũng cao hơn nhiều so với các năm gây lũ lụt, làm thiệt hại về người và của.

Tại khu vực Nam Mỹ, thời tiết khắc nghiệt dưới hình thức nắng nóng, hạn hán và mưa đã ảnh hưởng đến các khu vực rộng lớn ở Nam Mỹ vào 2 tháng đầu năm 2019. Lượng mưa lớn đã gây ra thiệt hại và thương vong ở Bolivia, Peru và miền bắc Chile vào đầu tháng 2, WMO thông tin.

Tại Việt Nam: Nhiều nơi chứng kiến sự chuyển biến "chóng mặt" của nhiệt độ

Riêng tại Việt Nam, theo thông tin dự báo thời tiết mới nhất của ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia trả lời phỏng vấn trên Laodong.vn thì tình hình thời tiết trong thời gian tới có 3 điểm chú ý:

1. Xuất hiện đợt nắng nóng từ 16-19/5 tại miền Bắc và miền Trung

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, miền Bắc và miền Trung sắp đón một đợt nắng nóng diện rộng . Các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ xuất hiện nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C. Riêng khu vực vùng núi các tỉnh Trung Bộ có nơi 39-40 độ C.

Thời tiết tháng 5 biến động: Nhiệt độ thay đổi chóng mặt, từ nắng nóng sang gió bấc - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia. Ảnh: LĐO

Riêng tại thủ đô Hà Nội, từ ngày 16-19/5 xuất hiện nắng nóng với nhiệt độ cao nhất 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

2. Hết nắng nóng, sẽ có gió mùa Đông Bắc

Cũng theo thông tin thời tiết mới nhất của ông Nguyễn Văn Hưởng trên Laodong.vn, khoảng ngày 19-20/5, Bắc Bộ có khả năng chịu tác động của một đợt gió mùa Đông Bắc (còn gọi là gió bấc, gió Đông Bắc), gây mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông mạnh tại Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Gió mùa Đông Bắc giúp hạ nhiệt đợt nắng nóng, nhiều khả năng đến 20/5, nắng nóng chấm dứt.

3. Tiếp tục có nắng nóng sau ngày 21/5

Mát mẻ chưa được bao lâu, sau ngày 21/5, khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Tây Bắc Bộ có khả năng xảy ra một đợt nắng nóng nữa. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định, cường độ đợt nắng nóng này không mạnh và không gay gắt.

Trong tháng 5/2019 vừa qua, người dân miền Bắc và miền Trung, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội, chứng kiến sự biến đổi bất thường của nhiệt độ, từ trạng thái mưa phùn gió lạnh sáng nắng nóng oi bức.

Có thể thấy, cùng với các hoạt động sản xuất/giao thông/sinh hoạt (gây biến đổi khí hậu nhân tạo) của con người, chúng ta đang phải chứng kiến những dạng thời tiết cực đoan, khó lường từ thiên nhiên.

Chính tính chất cực đoan, bất thường và khó lường của tự nhiên đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ bàn tay của con người.

Bài viết sử dụng nguồn: Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), LĐO

Theo Trang Ly

Helino

Trở lên trên