MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thống đốc NHNN: Rất nhiều người từ chối khi được điều sang tái cơ cấu ngân hàng yếu kém

26-10-2017 - 14:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, việc thiếu đi quy định miễn trách nhiệm với người tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém đang là bất cập lớn, khiến quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng chậm trễ.

Sáng nay, trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết sẽ bỏ quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, dù hiện tại dự thảo trình Quốc hội xem xét đã không còn quy định này, tuy nhiên Chính phủ, NHNN cũng như cơ quan soạn thảo vẫn xin báo cáo lên Quốc hội để bổ sung lại.

Theo ông Hưng, việc miễn trừ cho người tham gia xử lý các TCTD yếu kém chỉ được thực hiện khi đáp ứng rất nhiều tiêu chí chặt chẽ. “Thứ nhất là người giao nhiệm vụ xử lý trung thực, thứ hai là đúng quy định pháp luật, và thứ 3 là đúng với phương án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ông Hưng cho biết.

Thống đốc lý giải, có ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng thực hiện đúng quy định pháp luật thì đương nhiên được miễn nhiễm trách nhiệm, tuy nhiên, thực tế cho thấy thời gian vừa qua việc thiếu các quy định cụ thể đã ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của người tham gia tái cơ cấu.

“Cũng báo cáo với Quốc hội là đa phần những người tham gia xử lý nợ xấu, tái cơ cấu TCTD là nhân viên các NHTM, người nước ngoài chứ không phải công chức. Vì vậy vừa qua có tình trạng rất nhiều cán bộ ngân hàng đã từ chối, ai được điều sang rồi thì xin thôi không làm nữa. Đây là bất cập rất lớn để chúng ta tìm được những cán bộ có đủ trình độ, đạo đức, năng lực, kinh nghiệm để tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng”, ông Hưng chia sẻ.

Đề xuất xử lý vấn đề này, Thống đốc cho rằng nếu Quốc hội vẫn quyết bỏ qua quy định này và chờ luật hình sự sửa đổi, hay luật cán bộ viên chức, thì sẽ không đảm bảo tính kịp thời trong việc xử lý các ngân hàng, TCTD yếu kém. Do vậy, Chính phủ cũng như NHNN rât mong Quốc hội xem xét, bổ sung vấn đề này vào dự thảo luật.

Bên cạnh vấn đề về quy định miễn trừ trách nhiệm với người tham gia tái cơ cấu TCTD, đại diện NHNN cũng nhắc tới các phương án chuyển giao bắt buộc các TCTD yếu kém. Ông Hưng phân tích, về mặt kinh tế, khi thực trạng ngân hàng đã quá yếu và vốn tự có cũng như vốn điều lệ, quỹ dự trữ về bản chất đã lâm vào tình trạng phá sản, không có khả năng tự phục hồi thì chúng ta phải tiền hành giải cứu. Trước khi giải cứu thì bắt buộc phải có quy trình xác định lại vốn điều lệ cũng như quỹ dự trữ được thực hiện bởi các tổ chức kiểm toán độc lập.

Khi ngân hàng đã lâm vào tình trạng như vậy thì thông thường các cổ đông cũng không hợp tác, theo thời gian thì sự bất ổn sẽ ngày một tăng cao, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của ngân hàng đó và chính hệ thống, có thể dẫn tới hệ lụy là người rút tiền đi rút hàng loạt. Vì vậy, phải có quy định để Nhà nước có thể can thiệp chấm dứt quyền cổ đông. Đây là quy định cần thiết để Nhà nước có thể can thiệp kịp thời, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. NHNN đang tiếp thu ý kiến đại biểu để tiến hành rà soát, thẩm tra, bổ sung để thực hiện được việc này trong thực tế.

Về phương án phá sản các TCTD yếu kém, NHNN cho biết sẽ cần báo cáo thêm. Với vai trò trung gian tài chính, các TCTD khi gặp khó khăn có thể dẫn tới rủi ro rút tiền hàng loạt, gây ra hiệu ứng dây truyền, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người rút tiền. Do đó Chính phủ cũng như cơ quan soạn thảo đã rà soát kỹ các phương án phá sản.

"Chúng ta chỉ xem xét phá sản là biện pháp cuối cùng, khi những phương án khác như phục hồi, chuyển giao, giải thể,... không thực hiện được. Chính vì vậy khi xây dựng phương án phá sản thì quan điểm của Chính phủ là phải xem xét kỹ lưỡng tác động của việc cho phá sản tới toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy dự thảo luật đã bổ sung quy định cho phép Chính phủ có những biện pháp đặc biệt xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Quốc hội sẽ xem xét tiếp", ông Hưng cho biết.

Về giá trị chuyển nhượng các NHTM đã mua bắt buộc, cơ quan soạn thảo thống nhất với quan điểm giá chuyển nhượng sẽ không thấp hơn giá trị vốn điều lệ, các quỹ dự trữ đã được cơ quan kiểm toán tiến hành định giá độc lập.

Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm nay nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các đại biểu Quốc hội khi xây dựng được bộ khung chi tiết, đầy đủ những yêu cầu đề ra, với nhiều quy định quan trọng như bổ sung biện pháp can thiệp sớm và các TCTD có dấu hiệu suy yếu, sửa đổi bổ sung tỉ lệ sở hữu cổ phần các TCTD, quy định hạn chế sở hữu chéo. Bên cạnh đó, những người làm luật cũng đang xem xét các bộ luật có liên quan như luật NHNN để quy định rõ trách nhiệm các bên cũng như luật hóa các quy định xử lý nợ xấu.

Theo Trần Dũng

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên