Thông tin bất cân xứng: Đâu là chanh, đâu là đào?
Đây là trạng thái vẫn luôn xảy ra xung quanh chúng ta, nhưng phải đến những năm 1970 các nhà kinh tế học mới bắt đầu suy nghĩ đến chuyện “thông tin bất cân xứng” (information asymmetry).
- 23-08-2016Neo tỷ giá - Khi các NHTW "một tay che cả bầu trời"
- 22-07-2016Elon Musk vừa công bố thông tin làm Uber và Google phải khiếp sợ
- 18-03-2016[Kinh tế học qua video] OPEC là gì?
Khi mua sắm, chúng ta không thể biết được ngay sản phẩm đó có chất lượng như thế nào. Ví dụ, một chiếc tivi nhìn sẽ rất đẹp đẽ và có vẻ bền khi trưng bày ngoài cửa hàng nhưng điều đó sẽ kéo dài trong bao lâu? Chính sách bảo hành là một cách để làm tăng niềm tin của người tiêu dùng. Mua hàng của những thương hiệu lớn giúp chúng ta an tâm hơn, nhưng hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn lại là chuyện khác. Một tiệm cà phê có đồ uống tuyệt hảo, nhưng cửa hàng Starbucks bên cạnh sẽ không mạo hiểm để bạn tìm thấy tiệm cà phê ấy.
Vấn đề trong các ví dụ kể trên vẫn luôn xảy ra xung quanh chúng ta, nhưng phải đến những năm 1970 các nhà kinh tế học mới bắt đầu suy nghĩ đến chuyện “thông tin bất cân xứng” (information asymmetry).
George Akerlof là người đi tiên phong trong nỗ lực tìm hiểu vấn đề này. Trong bài báo viết năm 1970 có tựa đề “The Market Lemons” (tạm dịch: Những quả chanh trên thị trường), ông đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra với thị trường xe cũ nếu người mua không thể phân biệt được đâu là chiếc xe còn tốt. Giả sử người mua sẵn sàng trả 1.000 USD cho một chiếc xe tốt (mà Akerlof gọi là quả đào) và 500 USD cho một chiếc xe hay gặp trục trặc (quả chanh).
Nếu xe cũ và xe mới khác nhau một trời một vực như chanh và đào, đó là trạng thái thị trường minh bạch và không ai chịu thiệt. Nhưng nếu không thể phân biệt đâu là chanh đâu là đào, người mua sẽ hành động khác. Họ trả 750 USD cho một chiếc xe mà họ không biết là chanh hay đào. Vấn đề nằm ở chỗ người bán biết chắc chắn chiếc xe đó là gì, và sẽ từ chối không bán với giá 750 USD. Người mua thông minh sẽ suy diễn ngược lại: nếu người bán chấp nhận mức giá 750 USD thì chiếc xe đó chắc chắn chỉ là chanh, do đó lại giảm giá xuống còn 500 USD.
Cuối cùng chiếc xe cũng được bán với mức giá đúng thực tế, nhưng tình trạng bất cân xứng thông tin khiến chẳng có quả đào nào được bán ra. Đây là tình trạng lựa chọn bất lợi (adverse selection).
Các nghiên cứu chỉ ra có hai giải pháp cho vấn đề này. Nhà kinh tế học Peter Spence tập trung vào những dấu hiệu. Ông đưa ra ví dụ trên thị trường lao động, nơi mà các ông chủ sẽ không thể biết ngay đâu là ứng viên phù hợp nhất. Do đó người dự thi tuyển sẽ phải thể hiện mình có tài năng gì thông qua các cuộc phỏng vấn hay các văn bằng chứng chỉ. Nhưng rõ ràng cách này chỉ hiệu quả nếu như các dấu hiệu đó là chính xác. Tương tự, các chính sách bảo hành và thương hiệu chính là những dấu hiệu mà các nhà sản xuất muốn đem đến cho người mua.
Giải pháp thứ hai là “sàng lọc”, đưa những sản phẩm đặc biệt đến từng loại khách hàng vì những chủ thể kinh tế khác nhau quan tâm tới những đối tượng khác nhau và thông tin của họ khi về cùng một đối tượng sẽ khác nhau. Joseph Stigliz và Micheal Rothschild đã áp dụng điều này trên thị trường bảo hiểm, cho rằng nên có các sản phẩm đa dạng khác biệt phù hợp với từng loại khách hàng có thái độ ưa thích rủi ro khác nhau.
Bất cân xứng thông tin vẫn là điều khiến các nhà hoạch định chính sách phải đau đầu. Lựa chọn bất lợi gây ra những tác động tiêu cực lên đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare của Mỹ. Số người khỏe mạnh đăng ký tham gia chương trình trợ cấp bảo hiểm y tế của Chính phủ thấp hơn dự đoán, khiến mức độ liên hệ giữa rủi ro và phí bảo hiểm giảm xuống. Trong khi đó các công ty bảo hiểm rơi vào tình trạng thua lỗ và lại phải tăng phí, khiến ít người tham gia và kéo theo một vòng luẩn quẩn.
Đặc biệt, trên thị trường chứng khoán, tình trạng bất cân xứng thông tin có thể gây ra những hậu quả tai hại đặc biệt là khi con người cố tình gây ra tình trạng này. Các doanh nghiệp muốn che giấu các thông tin bất lợi, thổi phồng thông tin có lợi; nhà đầu tư không được tiếp cận những thông tin giống nhau; kẻ xấu tung tin đồn thất thiệt hay hiện tượng “làm giá” cổ phiếu… Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư không chính xác, gây cung cầu ảo, thị trường bong bóng và tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ thị trường.