"Thót tim" với biến động thất thường của tỷ giá, chớ dại đầu cơ
Tăng 10 đồng, tăng 20 đồng, tăng 30 đồng, rồi bất ngờ tăng hơn 100 đồng/USD và lại đảo chiều giảm tới 60 đồng trong thời gian ngắn, tỷ giá đang khiến không ít người “thót tim” vì biến động khó lường. Chuyên gia khuyến cáo chớ dại đầu cơ USD lúc này.
- 18-11-2016Góc nhìn: Khi USD/VND không vô cảm với thế giới
- 18-11-2016Tỷ giá USD/VND tăng 1% sau 1 tuần, áp lực đang ngày càng lớn?
- 18-11-2016Tỷ giá ngân hàng bất ngờ tăng vọt qua 22.600 đồng
Suốt từ 9/11 tới nay, tỷ giá hầu hết ở xu hướng tăng và đã tăng tổng cộng hơn 1,1% (từ mức 22.350 đồng lên 22.600 đồng). Ban đầu, tỷ giá chỉ tăng 5 đồng, 10 đồng hay cao hơn là 20 đồng mỗi phiên. Nhưng đến ngày 17/11, đà tăng bật mạnh lên biên độ 30 - 35 đồng. Trong ngày, nhiều ngân hàng điều chỉnh tỷ giá tới gần 20 lần.
Đến hôm nay 18/11, có lúc tỷ giá bật tăng lên đến 110 đồng, từ mức 22.500 đồng lên 22.610 đồng - cao nhất từ trước tới nay và vượt ngoài dự đoán của nhiều người. Nhưng khi chạm đỉnh chưa được bao lâu, giá USD lại quay đầu lao dốc, giảm 50 - 60 đồng, rồi lại đảo chiều tiếp tăng thêm 10-20 đồng, đến chiều cùng ngày còn bán ra phổ biến quanh 22.550 - 22.560 đồng và mua vào quanh 22.500 đồng ở các ngân hàng cổ phần, còn ngân hàng thương mại Nhà nước thì mua vào quanh 22.450 đồng và bán ra quanh 22.550 đồng. Trong ngày hôm nay, trên bảng thông báo tỷ giá của một số ngân hàng như ACB, Eximbank đã có lần cập nhật thứ..30 hay 32.
Sự biến động lên xuống với biên độ mạnh từ hôm qua đến hôm nay khiến cho một số người lo ngại về xu hướng tiếp theo của thị trường này. Tuy nhiên các doanh nghiệp và giới chuyên gia cho rằng, với cơ chế tỷ giá trung tâm có lên có xuống, sự biến động của đồng USD như vậy là tất yếu. Bởi lẽ ngay từ đầu năm khi đề ra cơ chế tỷ giá mới, thị trường đã được vọng một đồng tỷ giá linh hoạt hơn và chủ động hơn.
Ai làm xáo động thị trường?
Trong khi sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn chưa rõ ràng thì với những nền kinh tế hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc bảo toàn giá trị xuất khẩu, tránh tác động xấu của tỷ giá luôn là mối quan tâm đặc biệt của nhiều doanh nghiệp.
Hơn 10 tháng đầu năm 2016, tỷ giá giữa VND/USD gần như đứng yên. Sự lên xuống gần như quá nhỏ không đến mức thị trường quan tâm, những diễn biến có quan hệ xa gần với tỷ giá như sự lên xuống của đồng JPY, CNY, EUR, và các tin đồn đoán về FED sẽ tăng lãi suất, các kiến nghị điều chỉnh tỷ giá VND/USD để khuyến khích xuất khẩu...cũng chỉ làm tỷ giá gợn lên đôi chút.
Thị trường ngoại hối của Việt Nam được xem như ổn định và VND vẫn khỏe trước những tin đồn và khuyến nghị của không ít chuyên gia kinh tế. Tỷ giá ổn định đã làm tăng niềm tin vào chính sách tiền tệ, tin vào khả năng nhà nước đủ lực để dập tắt được các con sóng có nguồn gốc xuất phát phần nhiều từ đầu cơ và găm giữ ngoại tệ. Tỷ giá ổn định còn góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư trong ngoài nước.
Tuy nhiên ổn định không đồng nghĩa với đứng yên tuyệt đối. Các chuyên gia và giới trong ngành đều có chung nhận định rằng, khi "thời thế" thay đổi, đồng USD trên khắp các thị trường biến động theo niềm tin mới vào vị tổng thống tương lai của nước Mỹ thì tỷ giá VND/USD cũng biến đổi cũng là điều tất yếu.
Thêm vào đó, đồng Nhân dân tệ đang bị phá giá rất mạnh, đầu năm chỉ ở mức 6,4 NDT/USD, đến nay đã lên 6,9 NDT/USD và có khả năng vượt mức này cũng làm tăng mối lo lên thị trường ngoại hối.
Còn về các yếu tố cơ bản tác động lên thị trường là cung cầu, theo nhận định của cả lãnh đạo các ngân hàng, giới chuyên gia lẫn Ngân hàng Nhà nước, thì không hề có tình trạng khan hiếm. Thanh khoản ngoại tệ vẫn ổn, các nhu cầu vẫn được đáp ứng đầy đủ.
Chớ dại đầu cơ
Tâm lý của nhiều người khi thấy biến động của bất kỳ tài sản nào cũng vậy, nếu biến động lớn cùng với kỳ vọng tiếp tục gia tăng thì họ sẽ khựng lại để đón chờ diễn biến tiếp theo. Và khi thị trường đảo chiều rơi nhanh, nhiều người trong số họ vội vàng chạy để bắt đáy hoặc chốt lời, kết quả là rơi vào cảnh thua lỗ nặng. Sự tham lam còn hiện diện đâu đó ắt hẳn sẽ phải chú ý tới những bài học đắt giá như vậy.
Ngoài ra, với thị trường hiện nay, nền kinh tế đang có nguồn ngoại tệ dồi dào với 40 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại hối, lạm phát duy trì ở mức thấp, các chuyên gia cho rằng NHNN thừa sức có thể cầm trịch tỷ giá. Bằng cách bơm hút dòng tiền nhịp nhàng hoặc thậm chí bán USD để can thiệp, NHNN sẽ sớm dập tắt kỳ vọng của giới đầu cơ về một sự biến động mạnh của đồng USD so với VND.
Và ngay cả NHNN cũng vừa khẳng định rằng, cơ quan này sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp đảm bảo đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đề ra, góp phần ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.