MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thử giải mã “hiện tượng” cổ phiếu ngân hàng Vietcombank, VietinBank

14-07-2016 - 11:29 AM | Tài chính - ngân hàng

Sóng chứng khoán đang mạnh, tiền đổ ầm ầm vào thị trường nhưng ở ngành ngân hàng "sóng" đến nay chỉ lướt qua số ít ngân hàng, phải chăng khẩu vị nhà đầu tư đã thay đổi hay vì lý do khác?

Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn thăng hoa nhất trong vòng 8 năm trở lại đây với chỉ số VNIndex lên đỉnh cao nhất kể từ năm 2008. Cùng với làn sóng này, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp ở các ngành đã lên giá không ngừng nghỉ, mang lại niềm hân hoan cho nhà đầu tư.

Nhưng trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, “sóng” dường như mới chỉ lướt qua các nhà băng lớn gồm Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), còn cổ phiếu của các ngân hàng khác như Eximbank (EIB), BIDV (BID), Sacombank (STB), SHB (SHB), ACB (ACB) vẫn chỉ đi ngang hoặc biến động rất nhẹ. VCB được xem như một hiện tượng khi tăng một mạch từ quanh 47.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 6 lên 58.000 đồng ở thời điểm hiện tại.

Theo đánh giá của một chuyên gia, khẩu vị của nhà đầu tư với cổ phiếu ngân hàng nay đã khác xưa. Nếu trước đây, một cổ phiếu ngân hàng đi lên sẽ kéo theo các mã khác trong cùng ngành vượt "sóng", nhưng nay thì không phải vậy. Các ngân hàng làm ăn bài bản, có triển vọng tốt thì được săn đón nhiều hơn, còn các ngân hàng chưa ổn định về đường hướng phát triển thì sẽ khó thuyết phục được nhà đầu tư xuống tiền.

Với “hiện tượng” Vietcombank, có ý kiến cho rằng, dường như ngoài thông tin về kết quả kinh doanh tốt (trong nửa đầu năm nay lợi nhuận tăng gần 40% đạt gần 4.200 tỷ, tín dụng tăng trưởng tốt nhất 4 năm trở lại đây và triển vọng khá tích cực), còn có những yếu tố khác hỗ trợ cho ngân hàng.

Xét trong nhóm “Big3” ngân hàng do Nhà nước giữ quyền chi phối đang hoạt động trên sàn chứng khoán thì duy chỉ có Vietcombank chưa phải gánh sáp nhập với một ngân hàng yếu kém hay ngân hàng nhỏ nào. Hiện VietinBank đang phải cử người sang hoạt động tích cực ở GP.Bank đồng thời sẽ nhận về PG.Bank trong nay mai. Ngân hàng BIDV cũng phải “ôm” MHB với khoản lỗ khi sáp nhập là 552 tỷ đồng. Còn Vietcombank chỉ phải cử người sang hỗ trợ cho Ngân hàng Xây dựng, không rõ vai trò và sự hỗ trợ can thiệp đến đâu nhưng ngoài thị trường các thông tin về hỗ trợ này gần như không có.

Ngoài ra, Vietcombank cũng đang được “ưu ái” hơn khi chưa phải thoái hết vốn theo quy định. Hiện ngân hàng này đang nắm 7,16% vốn tại Ngân hàng Quân đội; 8,19% ở Eximbank; 5,07% ở Ngân hàng OCB và 10,91% vốn tại Công ty tài chính cổ phần xi măng. Các đối tác này đều là "miếng bánh ngon" kể cả Eximbank dù hiện tại đang trục trặc về bộ máy lãnh đạo.

Có thể nói rằng, Vietcombank đang được "giữ một hình ảnh vô cùng sạch sẽ và hấp dẫn".

VietinBank cũng vậy. Hình ảnh của ngân hàng này khá tích cực trong mắt nhà đầu tư lúc này. Trong 6 tháng đầu năm nay ngân hàng ước lãi trước thuế hơn 4.200 tỷ đồng, gần như chắc chắn dẫn đầu về lợi nhuận trong hệ thống, như các năm trước.

Trong một diễn biến khác liên quan nhóm ngân hàng do Nhà nước giữ quyền chi phối, lãnh đạo VietinBank mới đây cho biết đề xuất Chính phủ xem xét hạ tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức không thấp hơn 50%. Trước đó, Vietcombank cũng đề nghị nới room thêm 10% để phát hành cho đối tác chiến lược, trong đó, ngân hàng Mizuho Nhật Bản ngỏ ý muốn mua thêm 5% cổ phần để nâng tỷ lệ nắm giữ đến 15%.

Theo các ngân hàng này, họ đề nghị nới room cho nhà đầu tư nước ngoài để có thể thu hút thêm các nguồn lực, tạo nguồn vốn vững chắc để phát triển kinh doanh và đặc biệt giảm áp lực tăng vốn khi áp dụng các chuẩn mực Basel II.

Với diễn biến hiện nay, nếu đề nghị nới room của các ngân hàng được chấp thuận thì rõ ràng có lợi cho nhiều bên. Và kỳ vọng này cũng có thể là một lý do để cổ phiếu của Vietcombank, VietinBank có giá hơn trên thị trường.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên