MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hồi tài sản tham nhũng: Quá khó !?

24-12-2017 - 12:40 PM | Xã hội

Thiệt hại trong các vụ án tham nhũng lên tới hàng ngàn tỉ đồng nhưng số thu hồi được cho nhà nước chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Điều này cho thấy công tác thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn khi đa phần tài sản đã bị che giấu, tẩu tán…

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã tập trung thảo luận về Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Bên cạnh việc xác minh, xử lý tham nhũng, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm. Trái ngược với những con số khổng lồ về số tiền thiệt hại do các vụ án tham nhũng gây ra, số tiền thu hồi về cho nhà nước lại quá khiêm tốn.

Thu hồi quá thấp

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, năm 2017, các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỉ đồng và 77.057 m2 đất; tuy nhiên, chỉ mới thu hồi được gần 330 tỉ, 314.000 USD và 3.700 m đất. Đồng thời, kê biên 5 bất động sản; 3 ô tô Lexus, Audi, Porche và dây chuyền trị giá 1,6 triệu USD. Trong khi đó, con số thu hồi tài sản tham nhũng vào năm 2016 cũng chỉ đạt 38,3%. Một số vụ án nổi cộm như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Công ty Cho thuê Tài chính 2..., số tiền thi hành án lên đến cả chục ngàn tỉ đồng nhưng số tiền thu hồi chưa đến 10%.

Trong khi đó, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã "bó tay" trong việc thu hồi tài sản tham nhũng xảy ra trong vụ án Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo đó, Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, phải bồi thường 110 tỉ đồng do phạm 2 tội là "Tham ô" và "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Thế nhưng đến nay, chỉ thi hành được trên 21 tỉ đồng. Khoản còn lại phải thi hành hơn 88 tỉ đồng, tuy nhiên đến nay ngoài những tài sản đã được cơ quan tiến hành tố tụng xác định thì qua xác minh của Cục Thi hành án dân sự, Dương Chí Dũng không còn tài sản nào khác nên đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án với khoản tiền trên.

Cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng trong phiên xét xử năm 2014

Che giấu rất tinh vi

Các cơ quan thi hành án nhìn nhận kết quả thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác trong các vụ án tham nhũng còn nhiều hạn chế, tiến độ giải quyết còn chậm. Những khó khăn đã được chỉ rõ như việc xác minh tài sản, xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản xác minh, xử lý được để thi hành án có giá trị nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án. Đặc biệt, trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, người phạm tội đã chủ đích không đứng tên chủ sở hữu tài sản, không kê khai tài sản, tẩu tán hoặc che giấu tài sản tinh vi nên khó xác minh tài sản, nguồn gốc tài sản để thi hành án.

Trong những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, hành vi phạm tội thường rất tinh vi, nhiều bị can, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Trong khi đó, công tác giám định thiệt hại về kinh tế, đất đai… mất khá nhiều thời gian, thiếu sự đồng thuận giữa các cơ quan liên quan.

Về vấn đề này, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết năm 2017 tài sản thu hồi chiếm 29% về số lượng tiền, 50% về đất đai, tài sản. Nguyên nhân chính theo bộ trưởng là do các vụ án tham nhũng thường do nhiều đối tượng có tổ chức thực hiện trong thời gian khá lâu mới bị phát hiện. Một số vụ án tham nhũng thường được phát hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong một thời gian dài, đối tượng biết trước hành vi phạm tội bị xử lý nên tìm cách tẩu tán tài sản. Một số tài sản chuyển trái phép ra nước ngoài nên hết sức khó khăn khi thu hồi.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an đã đã thực hiện một số giải pháp như tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan tố tụng thúc đẩy tiến độ điều tra vụ án, tập trung thu hồi tài sản cho nhà nước; nâng cao hiệu quả tiếp nhận giải quyết tin nhắn tố giác về tội phạm. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với thanh tra, kiểm toán, viện kiểm sát, tòa án… để sớm tiếp nhận kết quả thanh tra, kiểm tra, có biện pháp phong tỏa tài sản đối tượng phạm tội và thực hiện thu hồi không để tẩu tán. Tăng cường quản lý tài sản, công khai việc kê khai tài sản của công chức viên chức phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, đồng thời tạo điều kiện truy thu tài sản của đối tượng tham nhũng nếu có.

"Chạy" vào nhà người thân

Đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cho rằng tài sản bất minh nhiều vấn đề, phải điều tra, xác minh mất nhiều thời gian. "Tài sản đã tham nhũng thì không có cánh mà bay. Nó chỉ vào những người thân, người quen, vào những chỗ quen biết chứ chả đi đâu cả" - đại biểu Sùng Thìn Cò nhấn mạnh.

Luật Phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua thực hiện cũng rất hiệu quả rồi nên đã răn đe được nhiều cán bộ có hành vi tham nhũng. Đảng, nhà nước sẽ sớm có biện pháp để thu hồi số tài sản này. Trước mắt thì cũng khó nhưng về lâu dài thì chắc chắn sẽ thu hồi lại vì đây là mong muốn của cử tri, của nhân dân.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:

Che đậy, sang tên đổi chủ

Việc giám sát tài sản cán bộ nếu được làm quyết liệt sẽ tránh được việc che giấu tài sản, tẩu tán tài sản trong những trường hợp sau này bị phanh phui tham nhũng. Nếu quản lý, giám sát tài sản được kê khai tốt, sẽ sớm phát hiện được những dấu hiệu bất minh trong số tài sản đó, sớm có các biện pháp xử lý, thậm chí là phong tỏa và thu hồi ngay. Nếu không kiểm soát được tài sản của cán bộ thì họ thường dùng thủ đoạn để che đậy, sang tên đổi chủ.

Trong quá trình kê khai tài sản cán bộ, các cơ quan tổ chức việc kê khai cần làm rõ được tài sản hợp pháp và tài sản không hợp pháp. Tài sản không hợp pháp của cán bộ có thể đến từ nhiều nguồn như tham ô, tham nhũng, từ chia sẻ lợi ích nhóm.

Luật sư Giang Hồng Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Khó thu hồi tài sản tẩu tán ra nước ngoài

Trong một số vụ án về tham nhũng, cơ quan pháp luật Việt Nam kết luận rằng người phạm tội đã sử dụng tiền chiếm đoạt được để mua động sản, bất động sản ở nước ngoài và ra quyết định, bản án thu hồi những tài sản đó. Tuy nhiên, có một thực tế là việc thi hành án trong những trường hợp này không hề dễ dàng.

Đối với những trường hợp mà tài sản do phạm tội mà có nằm ở trong nước, cơ quan pháp luật có thể áp dụng các biện pháp tịch thu, kê biên, bán đấu giá... không mấy khó khăn. Nhưng đối với những tài sản nằm ở nước ngoài, việc giải quyết gặp rào cản là chế định xử lý tài sản do phạm tội mà có ở mỗi quốc gia khác nhau, thậm chí không tương thích.

Điều 341 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định: "Khi thực hiện tương trợ tư pháp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước CHXHCN Việt Nam áp dụng những quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và quy định của bộ luật này". Căn cứ vào quy định này, nếu muốn xử lý tài sản do người Việt Nam phạm tội mà có và tài sản đó nằm ở quốc gia khác, cơ quan tố tụng Việt Nam trước hết phải căn cứ vào hiệp định tương trợ tư pháp ký kết giữa Việt Nam và quốc gia đó. Nếu Việt Nam chưa gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật của Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.

Cao Minh ghi

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên