MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút FDI: Chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng

Việc thu hút FDI thời gian tới đã được Việt Nam xác định phải chuyển đổi theo hướng từ thu hút số lượng sang chất lượng.

Cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng gay gắt, việc thu hút FDI thời gian tới đã được Việt Nam xác định phải chuyển đổi theo hướng từ thu hút số lượng sang chất lượng.

Việt Nam hướng tới thu hút công nghệ cao, thân thiện với môi trường và chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao, ông Vũ Đại Thắng khẳng định.

Thu hút FDI: Chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo về lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, được tổ chức sáng nay (19/6) tại Hà Nội.


Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, cần rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tình hình lao động của khu vực doanh nghiệp FDI thời gian qua về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó đề ra những giải pháp phù hợp, có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của lao động trong khu vực FDI, tận dụng tối đa dòng vốn FDI thế giới đang có xu hướng đổ về các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ở khía cạnh tích cực, ông Thắng đánh giá, khu vực FDI đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận không nhỏ lao động. Lao động trong các doanh nghiệp FDI tuy chiếm tỷ trọng thấp nhưng có hiệu quả sản xuất kinh doanh khá cao. Khu vực FDI có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo lao động có chất lượng. Tốc độ tăng việc làm của khu vực FDI luôn cao và góp phần đáng kể vào cải thiện nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng chỉ ra một số điểm hạn chế: Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. FDI làm mất đi nhiều việc làm truyền thống, thu hút lao động của các doanh nghiệp FDI còn thiên về khai thác nguồn lao động có giá nhân công rẻ, ít đào tạo, thậm chí dùng cơ chế thử việc để liên tục thay lao động.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, Phạm Văn Cộng cho rằng, cần chuyển hướng thu hút FDI theo hướng tăng chất lượng, tăng nhanh ngành dịch vụ công nghiệp kỹ thuật cao, đặc biệt chú trọng thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ.

Ông Cộng cũng đề xuất xây dựng thí điểm vài khu công nghiệp sinh thái hướng tới chỉ thu hút các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa cùng ngành, cùng lĩnh vực và có liên kết, hỗ trợ nhau phát triển.

Chỉ ưu tiên thu hút một số ngành, lĩnh vực có lợi thế 

Để nâng cao hiệu quả năng suất lao động từ khu vực doanh nghiệp FDI, TS. Lê Văn Hùng (Viện Kinh tế Việt Nam) khuyến nghị, Việt Nam cần chú ý tới chất lượng của dòng vốn FDI thu hút thay vì số lượng. Trong giai đoạn tới, thu hút vốn FDI cần gắn chặt với chiến lược phát triển quốc gia, chỉ tập trung ưu tiên thu hút một số ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh theo từng vùng, đặc biệt ưu tiên những doanh nghiệp chế biến sâu, công nghệ cao, năng lượng mới để tạo hiệu ứng lan tỏa lớn đối với nền kinh tế trong dài hạn.

Thu hút FDI: Chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: laodongthudo.vn)


Xây dựng thí điểm vài khu công nghiệp sinh thái hướng tới chỉ thu hút các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa cùng ngành, cùng lĩnh vực và có liên kết, hỗ trợ nhau phát triển, TS. Hùng gợi ý.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, Phạm Văn Cộng cho rằng, cần chuyển hướng thu hút FDI trong thời gian tới theo hướng tăng chất lượng, tăng nhanh ngành dịch vụ công nghiệp kỹ thuật cao, đặc biệt chú trọng thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ. 

Bên cạnh đó, ông Cộng lưu ý, cần xây dựng thí điểm vài khu công nghiệp sinh thái hướng tới chỉ thu hút các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa cùng ngành, cùng lĩnh vực và có liên kết, hỗ trợ nhau phát triển.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Văn Phong, các doanh nghiệp FDI đóng góp vai trò quan trọng đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm sản xuất điện thoại di động, hàng điện tử xuất khẩu lớn, đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam, giảm sự chênh lệch trong cán cân thương mại quốc tế, đồng thời thúc đẩy hàm lượng giá trị công nghệ trong giá trị của sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Tuy nhiên, ông Phong cũng thừa nhận, sự gia tăng lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề xã hội như: Nhà ở cho công nhân, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh trật tự... Do đó, ông Phong cho rằng, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI là điều cần quan tâm đặc biệt. 

Tính đến tháng 5/2018, Việt Nam thu hút được 25.691 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 323 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 179,12 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Đã có 127 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan...

Khu vực có mặt tại 63 tỉnh, thành của Việt Nam, tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp./.


Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên