“Thu hút người tài bằng lương sẽ thất bại”
“Đặt vấn đề thu hút người tài bằng lương sẽ khó khăn nếu không muốn nói là thất bại” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu trong phần tiếp theo của bàn tròn trực tuyến với chủ đề "thu hút nguồn nhân lực người Việt Nam ở nước ngoài".
- 03-10-2015Cơ chế thu hút nhân tài cần được “cởi trói”
- 17-09-2015Các công ty công nghệ thu hút nhân tài thế nào?
- 20-02-2015Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói về giải pháp để thu hút nhân tài
- 11-12-2014Thu hút nhân tài với mức lương 150 triệu đồng/tháng
“Tiến sĩ trẻ về Việt Nam sẽ không biết đi làm ở đâu”
GS Ngô Bảo Châu: Có nhiều mức độ thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về. Trước hết ta có thể bàn về nhóm trẻ nhất- những người mới tốt nghiệp tiến sĩ.
Đây là nhóm sẵn sàng về nước với mức lương rất khiêm tốn, có nhiều cái để lôi cuốn họ về chứ những người lớn tuổi, đã có gia đình, con cái ở nước ngoài thì mức độ lôi cuốn khó hơn nhiều.
Khi đặt mình vào vị trí của một em, một bạn trẻ mới tốt nghiệp tiến sĩ về Việt Nam sẽ thấy họ không biết đi làm ở đâu. Họ sẽ phải điện thoại cho bố mẹ xem có quen ông này ông kia không, hay quen trường này trường kia không.
Điều đó có nghĩa, thị trường lao động chúng ta đang có vấn đề.
Tôi cho rằng, thông tin tuyển dụng của các trường phải cực kỳ là trong suốt. Chính sách như vậy lúc đầu có thể gây khó cho các trường nhưng đó chính là động lực để họ phấn đấu.
Ông Hoàng Minh Sơn: Những điều anh Châu nói hoàn toàn đúng. Có mấy việc để thu hút những người đã tốt nghiệp tiến sĩ về nước.
Đầu tiên, chúng ta xem các bạn ấy quan tâm cái gì. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu từ năm học này sẽ đổi mới cách tuyển dụng.
Trước đây một năm tuyển 2 đợt, bây giờ chúng tôi tuyển dụng thường xuyên. Nghĩa là vị trí nào chúng tôi cần là “open” và sẽ đăng tuyển dụng cho tới khi có được người vừa ý thì thôi.
Yếu tố thứ 2 tôi thấy rất quan trọng với các bạn trẻ về đó là người ta cần cái vị trí, điều kiện, môi trường làm việc, có thể phát huy, cống hiến.
Thứ 3 là khi các bạn về nên có chính sách hỗ trợ ban đầu cho các bạn. Có thể là một đề tài cấp cơ sở một vài trăm triệu trong vòng 2 năm để các bạn có sự khởi đầu.
Nhà nước có thể bỏ ra hàng trăm nghìn đô la để gửi các bạn đi học tiến sĩ thì việc hỗ trợ các bạn vài chục ngàn đô để các bạn tiếp tục trong vòng 1-2 năm đầu sẽ không có gì khó khăn.
Cần bảo vệ những người dám "xé rào"
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đầu tiên là đặt mục tiêu cụ thể.
Chẳng hạn, với những trường mạnh của Việt Nam như Bách khoa, anh Nhạ có thể đặt ra yêu cầu cho anh Sơn là trong vòng 5 năm tới phải trở thành trường mạnh ở Đông Á hoặc Đông Nam Á thì ngay lập tức anh Sơn sẽ phải có những giải pháp, suy nghĩ tập hợp tinh hoa không chỉ của Việt Nam mà thế giới về.
Thứ 2, anh phải bảo vệ anh ấy. Trong quá trình làm anh ấy sẽ phải xé rào những cơ chế chính sách. Anh làm có cái gì mới, bị lỡ, có ai đó muốn mang anh ấy ra xử lý thì anh bảo vệ anh ấy. Tôi nghĩ đó là 2 việc quan trọng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Anh Tuấn chạm đúng vào định hướng của tôi trong việc thu hút anh em ở nước ngoài về.
Chúng ta không chỉ cần thu hút tiến sĩ mới ra trường đâu mà tôi rất muốn nhắm đến các nhà khoa học Việt Nam đang ở nước ngoài. Họ là những người rất có kinh nghiệm mà đằng sau họ là mạng lưới rất nhiều các nhà khoa học giỏi.
Nên cách đặt vấn đề của tôi là thu hút các nhà khoa học, những người có trình độ cao, có kinh nghiệm. Thậm chí họ chỉ về rất ngắn nhưng động thái của họ về cũng tạo ra tác động mạnh với người khác.
Về phương thức thì nếu chúng ta cứ nói chung chung thì lại như cũ thôi. Phải đi vào hướng cụ thể.
Chẳng hạn như Bách khoa của anh Sơn tôi yêu cầu tự chủ thì trong 5 năm hay 10 năm nữa phải xác định đang ở đâu so với bản đồ của trường công nghệ trong khu vực.
Để đạt mục tiêu này thì anh cần những gì. Trong đó sẽ bao gồm cơ chế.
Thu hút nhân tài: "Không trải thảm nào có thể gạt được họ"
Theo GS Trương Nguyện Thành, người tài có khả năng đánh giá cơ hội phát triển chính xác hơn. Không một chính sách trải thảm nào có thể gạt được họ.
Bản thân anh Sơn sẽ phải chủ động đi tìm, anh phải rất cầu thị những người giỏi về và chịu trách nhiệm.
Đặt vấn đề thu hút người tài bằng lương sẽ khó khăn nếu không muốn nói là thất bại.
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, chúng ta không đầu tư dàn trải được thì phải tập trung, có kết nối với các phòng thí nghiệm nước ngoài.
Chẳng hạn, nếu anh Sơn đề nghị có một phòng thí nghiệm về tế bào gốc chẳng hạn, trong đó có 2 Việt kiều rất giỏi ở Nhật đang làm chủ công nghệ này hay có phòng thí nghiệm này thì tôi đồng ý ngay. Thông qua phòng thí nghiệm này ta thu hút được họ về làm việc.
Ta nên tiếp cận vào điều kiện làm việc, môi trường làm việc hơn là mức lương hay vị trí. Anh Sơn nói rằng cho các tiến sĩ trẻ vài chục ngàn đô tôi cho sẽ không bền vững. Người giỏi họ sẽ biết cách, vấn đề là cơ hội việc làm.
Để có cơ chế này tôi cũng sẽ bàn với Bộ KHCN. Việc đặt hàng ở đây phải rất rõ để ra sản phẩm. Đồng thời chúng ta phải công khai thông tin và công khai cạnh tranh. Chứ không có chuyện GS trong nước mới là chủ nhiệm đề tài còn những người khác chỉ là phụ.
Các giáo sư hàng đầu cần gì ở Việt Nam?
GS Ngô Bảo Châu: Tôi cũng chia sẻ một phần ý của Bộ trưởng nhưng có một vài ý trong việc mời chuyên gia nước ngoài phải tiếp cận theo hướng khác một chút.
Không phải mình muốn phát triển công nghệ sinh học thì mình tìm 2 ông sinh học rất giỏi để mời về. Việc đó một số nơi đã làm trong thời gian vừa qua và tôi nghĩ khả năng thất bại khá cao.
Vì sao? Vì dù cho mời được người nước ngoài nhưng chúng ta không có người Việt Nam tại chỗ tận dụng những gì họ mang tới Việt Nam.
Tôi xin chia sẻ phương pháp hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.
Mỗi năm Viện có đến 60 khách nước ngoài. Với kinh phí rất khiêm tốn như Bộ trưởng biết, đa số khách mời Viện chỉ cấp kinh phí ăn ở tại Việt Nam thôi, một số trường hợp hạn hữu thì mới cấp vé máy bay. Tuy nhiên, họ vẫn sang và họ sẵn sàng quay lại. Vì họ cảm thấy thời gian họ sang đây họ có công việc họ có tiến triển. Điều kiện tiến triển là gì?
Thực tế, tôi không tự viết thư mời khách nước ngoài mà các nhóm họ trong nước sẽ viết thư mời. Chúng tôi chỉ duyệt lại thôi. Nếu ổn thì Viện sẽ mời sang để làm việc với các nhóm. Viện cũng có trách nhiệm đàm phán với ông đó.
Đa số các nhà khoa học sang Việt Nam theo hình thức thiện nguyện thì hầu hết không đặt vấn đề trả hết mọi thứ chi phí. Điều quan trọng là mình tổ chức được đội ngũ làm việc với họ.
Nguồn:Vietnamnet