MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu nhập 7 triệu/ 1 tháng mà vẫn kêu không đủ sống là lỗi tại bạn: Đây là cách tôi quản lý đồng lương của mình, 5 năm vẫn có thể mua nhà, xe hơi

26-12-2017 - 07:08 AM | Sống

Theo một triết lý nổi tiếng từ đại học Harvard: Sự khác nhau giữa số phận của con người khác nhau được quyết định bởi việc mà người đó làm trong lúc rảnh rỗi từ 20h tới 22h. Hãy sử dụng 2 giờ này của ngày hôm nay để áp dụng cách quản lý chi tiêu và giành lại quyền kiểm soát đồng lương về mình. Nếu kiên trì và đủ quyết tâm thì không có gì là không thể.

Một trong những vấn đề rất nhiều người gặp phải đó là nhận lương xong, vài ngày sau tiền cũng "không cánh mà bay". Bao nhiêu cũng hết. Bao nhiêu cũng không đủ xài. "Viêm màng túi" là chuyện xảy ra như cơm bữa.

Tuy nhiên, bài viết này sẽ chỉ cho bạn một cách tiết kiệm cực kỳ hay được chia sẻ bởi tỷ phú Lý Gia Thành. Nếu tuân thủ đúng nguyên tắc này, khả năng bạn mua được một ngôi nhà ưng ý chỉ sau 2 hoặc 3 năm là điều chắc chắn có thể.

Cách chi tiêu để có tiền tích lũy

Giả sử thu nhập của bạn hiện tại là 7 triệu VNĐ/tháng. Với mức lương này, bạn có thể sống ổn: chi tiêu cho những nhu cầu cơ bản như (tiền thuê nhà, tiền điện nước, mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu…) và vẫn có một khoản tiền dư ra để tiết kiệm hoặc phục vụ cho các nhu cầu khác.

Bạn hãy chia số tiền này thành 5 phần, coi như 5 quỹ, lần lượt như sau: quỹ 1 có 3 triệu, quỹ 2 có 1,5 triệu, quỹ 3 có 1 triệu, quỹ 4 có 500 ngàn và quỹ 5 có 1 triệu. Tại sao lại chia tiền như thế? Đây là bản kế hoạch phân bổ sơ bộ.

Quỹ 1 dùng để ăn uống, trả tiền thuê nhà, điện nước, Internet và các chi phí tương tự.

Với số tiền này, bạn có thể ăn uống tương đối thoải mái, đầy đủ ba bữa. Bữa sáng có thể ăn xôi, ngô, bánh giò, cơm nắm…, khoảng 10 đến 15 ngàn. Bữa trưa có thể ăn một suất cơm 30 đến 35 ngàn. Buổi tối thì tự nấu ở nhà.

Nếu muốn tiết kiệm hơn, hãy dậy sớm chuẩn bị đồ ăn cho bữa trưa. Trung bình, một tháng bạn tốn khoảng 2,4 đến 2,5 triệu cho tiền ăn uống. Phần còn lại dành cho tiền nhà. Cách phân bổ này hoàn toàn đảm bảo được mức sống cơ bản.

Quỹ 2 dùng để kết bạn và duy trì mối quan hệ.

Quỹ này sẽ bao gồm tiền điện thoại (khoảng 400 - 500 ngàn) và tiền mời bạn bè ăn uống hàng tháng. Tùy vào mức độ thân thiết và tầm quan trọng của mối quan hệ mà bạn có thể xác định mức chi, có thể 2 tháng/lần, mỗi lần 500 ngàn.

Bạn nên lựa chọn những người bạn thực sự muốn giữ liên lạc lâu dài, chẳng hạn như những người bạn muốn học hỏi, những người sẽ giúp đỡ bạn trong công việc và bạn bè thân. Nên cố gắng thực hiện đều như vậy.

Sau 1 năm, hãy tổng kết và quyết định những mối quan hệ nào mà bạn muốn duy trì, mang lại giá trị to lớn cho bạn và có ảnh hưởng tới bạn thực sự. Không nên chi tiêu hoang phí vào những mối quan hệ "chỉ cho vui là chính", ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống/công việc của bạn hoặc bạn không cảm thấy có sự kết nối với họ. Lựa chọn và ưu tiên là yếu tố đóng vai trò then chốt.

Quỹ 3 dùng để đầu tư cho học tập.

Quỹ này bao gồm cả việc mua sách vở, bút, đăng ký các khóa học (online và offline), tham dự hội thảo, câu lạc bộ…Nếu là một khóa học với học phí 3 đến 4 triệu, bạn có thể tính toán để xác định số tiền cần bỏ ra mỗi tháng để mua khóa học đó.

Vì số tiền đầu tư cho quỹ này không nhiều nên hãy làm rõ các câu hỏi sau trước khi chi tiêu: Công việc của bạn cần gì? Bạn đang thiếu kỹ năng chuyên môn/kỹ năng mềm nào? Bạn yêu thích thể loại sách nào? Đọc chúng có bổ trợ cho công việc hay khiến cuộc sống bạn tốt lên không? Có nguồn nào khác thay thế giúp bạn đạt được chúng không (Chẳng hạn mượn sách bạn bè, đọc trên thư viện hay học online thay vì offline…).

Đối với mua sách, cần đặt mục tiêu và cam kết đọc chúng sau khi mua về. Tránh tình trạng mua về để "trưng bày". Đọc kỹ và cố gắng áp dụng những gì bạn học được hoặc chia sẻ cho người khác để tăng khả năng ghi nhớ. Học tập không chỉ giúp bạn có thêm kiến thức mà còn giúp bạn rèn luyện rất nhiều kỹ năng khác, chẳng hạn như lọc thông tin, nắm bắt vấn đề, phân tích, tổng hợp…

Quỹ 4 dùng để đi du lịch, trong nước hoặc nước ngoài đều được.

Tùy theo nhu cầu và sở thích, bạn có thể đặt ra mục tiêu mỗi năm đi du lịch vài lần (nếu trong nước thì mỗi quý một lần hoặc nước ngoài thì mỗi năm một lần).

Nếu tiền ít thì chọn đi nơi gần thôi, chắc chắn loanh quanh chỗ bạn đang sống cũng có rất nhiều nơi mà bạn chưa hề biết đến.

Nếu tiền rủng rỉnh hơn, có thể mở rộng địa điểm ra xa dần. Đồng thời, hãy thay đổi nơi đến, chẳng hạn như đi tắm biển, leo núi, đến các vùng quê hay khám phá văn hóa của các đồng bào dân tộc khác…

Mỗi một trải nghiệm, mỗi một sự thay đổi sẽ giúp bạn mở mang tầm nhìn hơn, có cái nhìn đầy cảm thông hơn đối với cuộc đời, tăng sự tự tin và rất nhiều lợi ích tuyệt vời khác. Với những ai thích đi nước ngoài, hãy làm việc chăm chỉ hơn để có nhiều tiền hơn cho vào quỹ du lịch. Khi đi, nên lựa chọn nhà nghỉ rẻ tiền, homestay cho tiết kiệm. Còn trẻ, miễn là được đi nhiều nơi, đừng căn ke quá nhiều vào tiện nghi hay chỗ ở.

Quỹ số 5 dành để đầu tư.

Có rất nhiều cách để bạn khai thác giá trị của quỹ này. Chẳng hạn như cho vào thẻ ATM, làm sổ tiết kiệm, gửi cho những người bạn tin cậy mà đang đầu tư vào các sản phẩm khác (chứng khoán)... Sau một thời gian, khi số vốn lớn dần, bạn có thể rút ra để kinh doanh. Mới đầu nên kinh doanh trên quy mô nhỏ để tránh rủi ro và lấy kinh nghiệm.

Khi đã tự tin hơn, hãy mạnh dạn đầu tư, liên kết với bạn bè hoặc những người có cùng chí hướng. Hiện nay, xu hướng khởi nghiệp rất rầm rộ. Miễn là bạn tự tin với ý tưởng của mình, chắc chắn khả thi và biết cách dành dụm vốn ngay từ bây giờ thì bạn hoàn toàn có thể làm được.

Các quy tắc cần nhớ:

1. Luôn đảm bảo có ngần ấy số tiền đã đặt ra cho từng quỹ. Không được giảm bớt số tiền ở quỹ này để tăng cho số tiền cho quỹ khác.

Chẳng hạn, bạn không nên giảm tiền ăn ở quỹ 1 để cho vào quỹ 2 hay giảm tiền chi tiêu ở quỹ 3 để cho vào quỹ 4. Sức khỏe của bạn cần tốt nhất để làm những việc khác và học tập cũng quan trọng như đầu tư kinh doanh vậy.

Tùy vào mức lương hiện tại mà có thể điều chỉnh số tiền cho từng quỹ. Nếu lương của bạn là 10 triệu, bạn có thể thay đổi ở các quỹ lần lượt là 4 triệu, 1 triệu, 1,5 triệu, 1 triệu, và 2,5 triệu.

2. Nếu ưu tiên hiện tại của bạn là mối quan hệ hay học tập, bạn có thể điều chỉnh để tăng số tiền ở các quỹ này lên. Việc phân bổ ở trên chỉ mang tính chất tham khảo chứ không phải là khuôn chung cho tất cả mọi người. Hãy linh hoạt khi áp dụng.

3. Nếu sau một thời gian thực hiện, mức lương của bạn vẫn chỉ là 8 triệu đồng hay số tiền ở mỗi quỹ không đáp ứng được chi tiêu thì hãy xem lại chính bản thân bạn.

Nhưng đừng chỉ tiết kiệm, hãy tìm cách để tăng số tiền cho vào các quỹ

Hiển nhiên, nếu chỉ tiết kiệm như trên thì rất khó để bạn có thể có một ngôi nhà to hơn, mua được những thứ "lớn" hơn bạn thích hay thực hiện được những điều bạn muốn. Do vậy, ngoài tiết kiệm thì bạn cũng nên tìm cách để kiếm tiền. Các quỹ càng tăng lên nghĩa là bạn đã áp dụng thành công bài học tiết kiệm và biết cách làm tăng số tiền mình đang có.

Vậy thì kiếm tiền bằng cách nào?

Hiển nhiên, quỹ số 5 - đầu tư chính là một trong những cách kiếm tiền hiệu quả. Khi "tiền đã đẻ ra tiền" từ quỹ này, bạn có thể phân bổ lại nguồn tiền dư ra sau khi đã trừ ra 1 triệu (ở trên, quỹ đầu tư là 1 triệu) hoặc quyết định dùng toàn bộ số tiền này để đầu tư cho kế hoạch mới.

Bên cạnh đó, có rất nhiều cách kiếm tiền khác, cụ thể làm thêm bán hàng, nhận sổ sách kế toán về nhà làm, viết blog kiếm tiền, làm cộng tác viên cho các báo, nhận thiết kế riêng, chạy xe ôm, tự làm bánh để bán… Bất cứ công việc gì (miễn là không trái pháp luật) đều được. Điều quan trọng là bạn có muốn làm và có sẵn sàng làm việc hay không, còn lại không thiếu việc cho bạn.

Một điều lưu ý đó là dù thu nhập của bạn có tăng lên thế nào hay có lớn như thế nào đi chăng nữa thì cũng luôn chia chúng ra 5 quỹ như trên. Làm như vậy nghĩa là bạn đang kiểm soát được nguồn tiền của mình, tránh việc chi tiêu hoang và luôn trong trạng thái chủ động với mọi tình huống.

Dù bạn có thất bại khi kinh doanh (quỹ 4) thì cuộc sống của bạn vẫn diễn ra bình thường vì bạn vẫn có đủ tiền để trả tiền nhà, ăn uống, giao lưu bạn bè và học tập. Sức khỏe của bạn đảm bảo, những mối quan hệ vẫn bền chặt và đầu óc bạn vẫn được mở mang - đó là điều giá trị nhất mà nếu như vẫn chi tiêu hoang phí thì bạn sẽ không bao giờ có được.

Tin hay không tin bí quyết kiểm soát chi tiêu này là ở bạn. Bạn không nhất thiết phải làm theo nhưng chẳng có lý do gì để không thử. Bạn chẳng mất gì cả mà còn được lợi rất nhiều.

Về vấn đề này, tạm trích dẫn một lý thuyết nổi tiếng từ đại học Harvard: Sự khác nhau giữa số phận của con người khác nhau được quyết định bởi việc mà người đó làm trong lúc rảnh rỗi từ 20h tới 22h.

Hãy sử dụng 2 giờ này của ngày hôm nay để suy nghĩ về cách chi tiêu và quyết định giành lại quyền kiểm soát của mình. Nếu kiên trì và đủ quyết tâm thì không có gì là không thể.

Theo Phan Ngọc

Trí thức trẻ

Trở lên trên