Thu nhập bình quân (PPP) của thế giới ở ngưỡng 18.000 USD, Việt Nam thì sao?
Năm 2021, thu nhập bình quân theo sức mua tương đương (PPP) thế giới đạt khoảng 18.008 USD.
- 01-02-2023Gần chạm ngưỡng 100 triệu người, dân số Việt Nam đứng thứ mấy trong khu vực?
- 28-01-2023Philippines vượt ngưỡng thu nhập thấp được 27 năm, Indonesia được 25 năm, Việt Nam thì sao?
- 27-01-2023Indonesia thu hút dòng vốn FDI cao kỷ lục, so với Việt Nam thì thế nào?
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1990, thu nhập bình quân (PPP) của Việt Nam đạt khoảng 1.120 USD, chỉ bằng 1/5 thu nhập bình quân (PPP) của thế giới (5.488 USD). Đến năm 2021, thu nhập bình quân (PPP) của Việt Nam đã tăng lên đạt khoảng 11.080 USD. Trong khi đó, thu nhập bình quân (PPP) thế giới đạt khoảng 18.008 USD vào năm 2021.
Như vậy , thu nhập bình quân (PPP) của thế giới gấp 1,6 lần thu nhập bình quân (PPP) của Việt Nam vào năm 2021 . Giai đoạn 1990-2021, thu nhập bình quân (PPP) thế giới tăng hơn 3 lần, còn thu nhập bình quân (PPP) của Việt Nam tăng gần 10 lần.
Cùng với đó, thứ hạng thu nhập bình quân (PPP) của Việt Nam cũng thay đổi đáng kể trong giai đoạn 1990-2021. Cụ thể, năm 1990, thu nhập bình quân (PPP) của Việt Nam xếp thứ 163 trên thế giới. Đến năm 2021, thu nhập bình quân (PPP) của Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 143 trên thế giới.
Thu nhập bình quân của Việt Nam và thế giới giai đoạn 1990-2021. Nguồn: WB.
Xét riêng các nước trong khu vực Đông Nam Á, thứ hạng thu nhập bình quân theo sức mua tương đương của Việt Nam cũng thay đổi rõ rệt. Năm 1990, thu nhập bình quân (PPP) của Việt Nam xếp thứ 9/11 trong khu vực Đông Nam Á, xếp trên Campuchia và Myanmar.
Đến năm 2019, thu nhập bình quân (PPP) Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 6/11 trong khu vực Đông Nam Á, xếp trên Philippines, Lào, Đông Timor, Myanmar và Campuchia. Giai đoạn 2019-2021, thu nhập bình quân (PPP) luôn xếp ở vị trí thứ 6/11 trong khu vực Đông Nam Á.
Thu nhập bình quân (PPP) của các nước khu vực Đông nam Á giai đoạn 1990-2021. Nguồn: WB.
Năm 2021, thu nhập bình quân (PPP) của Singapore dẫn đầu trong nhóm các nước khu vực Đông Nam Á và xếp thứ nhất trên thế giới, đạt khoảng 102.450 USD.
Xếp thứ hai sau Singapore là Brunei với thu nhập bình quân (PPP) đạt khoảng 67.580 USD, xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 9 trên thế giới. Malaysia đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 61 trên thế giới với thu nhập bình quân (PPP) đạt khoảng 28.730 USD.
Đứng ở vị trí thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 93 thế giới là Thái Lan với thu nhập bình quân (PPP) đạt khoảng 18.530 USD. Indonesia xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 132 thế giới với thu nhập bình quân (PPP) đạt khoảng 12.560 USD.
Trong khi đó, thu nhập bình quân (PPP) Việt Nam trong năm 2021 đứng thứ 6 trong khu vực và thứ 143 thế giới. Các nước còn lại là Philippines, Lào, Đông Timor, Campuchia, Myanmar có thu nhập bình quân (PPP) thấp hơn Việt Nam. Myanmar là nước có thu nhập bình quân (PPP) thấp nhất trong khu vực, đạt khoảng 4.230 USD.
Thu nhập bình quân (PPP) của Philippines, Lào, Đông Timor, Campuchia và Myanamar có thứ hạng lần lượt là 152, 157, 180, 188 và 192 trên thế giới.
So với năm 2020, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có sự cải thiện thứ hạng về thu nhập bình quân đầu người (PPP) là Singapore, Campuchia, Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là nước có sự cải thiện tốt nhất, nhảy 2 bậc thứ hạng, từ thứ 145 năm 2020 nhảy lên 143 năm 2021.
Bên cạnh đó, các quốc gia còn lại trong khu vực Đông Nam Á có sự tụt hạng về thu nhập bình quân (PPP) so với năm 2021. Cụ thể, Myanmar tụt 9 bậc; Thái Lan tụt 5 bậc; Brunei, Malaysia, Philippines, Indonesia, Đông Timor đều tụt hạng 2 bậc và Lào tụt 1 bậc.
Hiện nay, thu nhập bình quân theo sức mua tương đương của Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Indonesia đang gấp lần lượt là 9,28 lần; 6,12 lần; 2,6 lần; 1,67 lần và 1,14 lần so với thu nhập bình quân (PPP) của Việt Nam.
Giai đoạn 1990-2021, thu nhập bình quân theo sức mua tương đương của Việt Nam đã tăng gần 10 lần. Các quốc gia khác đều có sự cải thiện nhưng chậm hơn như: Lào (tăng hơn 7 lần), Singapore (tăng 4,35 lần), Indonesia (tăng 4,34 lần), Malaysia (tăng 4,2 lần), Thái Lan (tăng 4,02 lần), Philippines (tăng 3,52 lần), Đông Timor (tăng 2,48 lần) và Brunei (tăng 1,2 lần).
Nhịp sống thị trường