Thu nhập của lao động trong ngành nào tăng nhiều nhất trong 6 năm qua?
Theo Niên giám thống kê 2021, thu nhập bình quân (TNBQ) một tháng của người lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động năm 2015 đạt mức 6,966 triệu đồng. Đến năm 2020, mức thu nhập này đã tăng lên hơn 9,5 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 1,4 lần so với năm 2015.
- 16-08-2022Ngày cuối nhận hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà: Số tiền chi chỉ bằng 1/3 dự kiến
- 16-08-2022Bao giờ GDP bình quân đầu người Việt Nam theo kịp Thái Lan, Malaysia?
- 16-08-2022Bán ghế massage không hóa đơn, khai loạn giá: Nhà nước thất thu thuế
Báo cáo chỉ ra TNBQ một tháng của lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đã có sự tăng trưởng rõ rệt trong giai đoạn 2015 - 2020.
Xét theo loại hình doanh nghiệp, TNBQ một tháng của người lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đã tăng gấp 1,4 lần trong giai đoạn 2015 - 2020, từ 7,5 triệu đồng/người (năm 2015) lên 10,5 triệu đồng/người (năm 2020).
Cũng trong giai đoạn này, TNBQ một tháng của người lao động trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng từ 6,2 triệu đồng/người lên 8,2 triệu đồng/người trong vòng 6 năm. Trong khi đó, TNBQ một tháng của người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước tăng từ 9,5 triệu đồng/người lên 15,3 triệu đồng/người.
Xét theo ngành kinh tế, lao động hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có thu nhập có mức tăng nhất trong vòng 6 năm. Năm 2015, trung bình lao động trong ngành này có mức thu nhập gần 16 triệu đồng/tháng và tăng vọt lên gần 22 triệu đồng/tháng vào năm 2017. Đến năm 2020, người lao động trong ngành này trung bình một tháng có thu nhập trên 25 triệu đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2015.
Cụ thể, TNBQ của lao động trong hoạt động dịch vụ tài chính (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội) vào năm 2020 là 25,3 triệu đồng/tháng, cao gấp 1,6 lần so với năm 2015.
Thu nhập của lao động trong lĩnh vực bảo hiểm, tái bảo hiểm và bảo hiểm xã hội (trừ bảo đảm xã hội bắt buộc) năm 2015 đạt hơn 21 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2020, mức thu nhập này tăng 1,5 lần, đạt hơn 32 triệu đồng/người/tháng.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Ngành có thu nhập tăng nhiều thứ 2 là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí. Năm 2020, lao động trong ngành này có TNBQ một tháng trên 12,2 triệu đồng/người, tăng 1,53 lần so với năm 2015.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là một ngành có mức tăng thu nhập cao. Cụ thể, năm 2020, TNBQ mỗi tháng của một lao động trong ngành công nghiệp này đạt hơn 9 triệu đồng, cao gấp 1,4 lần so với năm 2015.
Trong nhóm ngành này, lao động trong hoạt động sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy có mức thu nhập tăng nhiều nhất với 1,49 lần, từ 6,5 triệu đồng/người/tháng năm 2015 lên 9,6 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm cũng là lĩnh vực lao động có mức thu nhập tăng cao khi tăng từ 6,4 triệu đồng/người/tháng (năm 2015) lên 9,5 triệu đồng/người/tháng (năm 2020).
Ngoài ra, lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, và khai khoáng cũng có thay đổi nhiều trong thu nhập khi TNBQ năm 2020 tăng 1,35 lần so với năm 2015.
Bên cạnh đó, lao động trong vận tải hàng không lại có mức thu nhập giảm nhiều nhất trong 6 năm qua. Năm 2015, TNBQ một tháng của lao động đạt 24,5 triệu đồng và tăng lên 29,6 triệu đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2020, mức thu nhập của lao động trong ngành giảm xuống còn 18,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhịp sống kinh tế