Thu nhập hàng trăm triệu từ mô hình trồng cải xà lách xoong
Mô hình trồng cải xà lách xoong tại xã An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho bà con nơi đây.
- 16-09-2017Người đầu tiên trồng rau thủy canh ở Phú Quốc
- 21-08-2017Giám đốc ngân hàng bỏ lương trăm triệu, trồng rau thu 2 tỷ/tháng
- 07-07-2017Trồng rau nhút kiếm 300 triệu đồng/năm
Những năm trở lại đây, cuộc sống của người dân ở xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đang ngày một thay đổi, nhà cửa kiên cố, khang trang; nhiều hộ dân mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình trồng cải xà lách xoong. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với những loại cây trồng khác khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
. (Ảnh: Phạm Hải).
Với diện tích trồng xà lách xoong của gia đình hơn 2.000m2, anh Trần Minh Hiếu ở xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết, thu nhập từ trồng xà lách xoong mang về cho gia đình anh mỗi năm hơn 100 triệu đồng. So với những cây màu khác thì giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều; công chăm sóc hay thuốc phòng trừ sâu bệnh cũng ít hơn hẳn.
Theo anh Hiếu, cải xà lách xoong có 2 mùa thuận và nghịch. Nếu như mùa thuận người trồng mất khoảng 30 ngày thu hoạch một lần còn mùa nghịch mất khoảng 60 ngày, chính vì thế mà mỗi năm chỉ thu hoạch được từ 6 đến 7 đợt. Tuy nhiên, mùa thuận giá bán thấp hơn so với mùa nghịch, có thời điểm mùa nghịch giá bán lên tới 50.000 - 60.000 đồng/kg, còn mùa thuận giá từ 10.000 - 20.000/kg.
Với kinh nghiệm trồng cải xà lách xoong, anh Hiếu chia sẻ, khâu quan trọng nhất là nước tưới. Khi trồng loại rau này phải chịu khó và am hiểu kỹ vì thời điểm rau cần tưới nước từ 10 - 16h; cứ cách 30 đến 40 phút lại phải tưới nước một lần, tưới mang lại độ ẩm cho rau phát triển chứ không được ngập vì loại rau này không chịu được nước ngập.
Để sản xuất xà lách xoong theo tiêu chuẩn VietGap người trồng phải sử dụng phân hữu cơ, thuốc theo đúng quy trình, khi đó sản phẩm làm ra mới đảm bảo tiêu chuẩn để vào siêu thị và xuất khẩu.
Diện tích trồng cải xà lách xoong được tập trung nhiều nhất ở xã Thuận An, thị xã Bình Minh với gần 130 ha; thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu.
Ông Trương Thành Đến, Quyền Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, từ khi có mô hình trồng xà lách xoong cuộc sống của người dân đã thay đổi, nhiều gia đình mỗi năm thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Mô hình trồng cải xà lách xoong đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Phạm Hải). |
Sản phẩm làm ra được Hợp tác xã thu mua nên tránh được tình trạng thương lái ép giá. Trong thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình theo tiêu chuẩn VietGap và hướng đến tiêu chuẩn GlobalGap để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Mô hình trồng cải xà lách xoong đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà đang từng bước làm giàu trên mảnh đất của mình. Tuy nhiên, để cây trồng này mang lại hiệu quả, cần có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong quá trình bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu để cây cải xà lách xoong thực sự phát triển bền vững./.
VOV