Thủ phủ quất Hội An lo lắng vì vắng người mua
Người dân ở xã Cẩm Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), nơi được xem là vùng trồng nhiều quất nhất miền Trung đang lo lắng vì dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến việc buôn bán khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
Trái với không khí buôn bán nhộn nhịp dịp cận Tết hàng năm, thời điểm này, nhiều vườn quất ở Cẩm Hà vắng lặng, ít người đến mua. Các chủ vườn cho biết đến thời điểm hiện tại, số lượng quất của vườn vẫn còn nhiều, trái bắt đầu chín vàng rực.
Vườn quất của bà Trần Thị Thúy (thôn Bàu Ốc, xã Cẩm Hà) có gần 400 chậu, số tiền đầu tư vào giống cây, phân bón và tiền công chăm sóc lên đến gần 300 triệu đồng. Đến nay, vườn của bà Thúy chỉ mới bán được hơn 100 chậu, thua xa so với những năm trước.
Người dân trưng bày quất chờ thương lái đến mua
"Tôi bán nhiều loại quất với kích thước và giống khác nhau. Chậu quất đắt nhất có giá 2 triệu và thấp nhất là 600.000 đồng. Đến nay, dù đã cận Tết nhưng tôi vẫn chưa bán được nhiều vì "bạn hàng" ở xa chưa đến mua do ngại dịch bệnh" – bà Thúy nói.
Tình hình thời tiết thất thường, việc chăm sóc cho hàng trăm chậu quất gặp nhiều khó khăn hơn, mưa kéo dài khiến quất dễ bị mọc nấm nên nhiều chủ vườn phải liên tục tưới nước để tránh cây nhiễm bệnh. Bên cạnh việc thương lái chưa thể đến thu mua, nhiều chủ vườn phải đau đầu vì giá phân bón, thuốc trừ sâu… mỗi ngày một tăng. Không bán được hàng, chủ vườn còn phải tăng cường nhân công để chăm sóc cây.
Người trồng quất phải kiểm tra cây thường xuyên để đảm bảo chất lượng
"Tôi bắt đầu trồng cây giống từ tháng 9 năm ngoái, mất đến 14, 15 tháng mới trồng nên một cây lớn để bán. Nhưng đến thời điểm hiện tại, giá vật liệu thì tăng nhưng bán thì cực kỳ ế ẩm" – bà Thúy chia sẻ.
Vườn quất hơn 200 chậu của bà Nguyễn Thị Sau (58 tuổi, phường Cẩm Hà) đến nay đã được đặt mua hết. Tuy nhiên, thời tiết thất thường khiến gia đình bà Sau vẫn lo lắng vì sợ cây bị hư. Thương lái tuy đã đặt cọc tiền mua, nhưng nếu không thể vận chuyển được do dịch bệnh thì gia đình bà Sau phải hoàn trả lại tiền đã cọc.
Quất phải được tưới nước thường xuyên để tránh bị nấm
"Tết sắp đến, tuy đã bán hết nhưng nếu không thể vận chuyển thì gia đình sẽ phải bán tháo mới có thể lấy lại tiền vốn, như vậy coi như công sức nhiều tháng trời coi như mất trắng" – bà Sau nói.
Ông Mai Kim Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, cho biết toàn xã có hơn 400 hộ trồng quất. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người dân trồng khoảng 45.000 chậu, giảm khoảng 20.000 chậu so với trước so với năm trước. Hiện các hộ trồng quất ở xã Cẩm Hà cơ bản đã bán được khoảng 60% số quất, nhưng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thể sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ quất của người dân năm nay.
Người dân bỏ nhiều công sức chăm sóc cây trong điều kiện thời tiết không thuận lợi
"Chính quyền xã Cẩm Hà đã gửi công văn đến các địa phương đề nghị giảm tiền thuê mặt bằng bán quất cho các hộ dân. Chúng tôi cũng đã đề xuất với lãnh đạo TP Hội An thực hiện một số hoạt động quảng bá hình ảnh cây quất đến mọi người nhằm giúp ổn định thị trường đầu ra" – ông Phương cho hay.
Người lao động