Thủ phủ tiêu thế giới trong vòng xoáy nợ nần: Sản xuất nhiều để làm gì, "vàng thừa cũng ế huống gì hồ tiêu"!
Trước năm 2001, "quyền lực" sản xuất hồ tiêu chủ yếu nằm trong tay người Ấn và người Indonesia. Kể từ năm 2002, Việt Nam trở thành nước đứng đầu về xuất khẩu mặt hàng này. 60% tiêu xuất khẩu của thế giới là của Việt Nam. Nhưng, thủ phủ hồ tiêu đang điêu đứng.
- 11-02-2019Các FTA mới và cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam
- 24-01-2019TS. Võ Trí Thành: "Không chỉ Jordan sợ VN, rất nhiều nước ngại nông nghiệp Việt khi đàm phán các hiệp định thương mại"
- 18-01-2019Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: CPTPP thực thi, nông nghiệp sẽ 'rủi ro, tổn thương rất lớn'
Tiêu Việt trong cơn lao dốc về giá toàn cầu
Giá thành sản xuất Việt Nam đang ở ngưỡng 50.000 đồng/kg, trong khi đó, giá tiêu thế giới đang được giao dịch ở quanh mốc 43.000 đồng/kg, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nói trước Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong hội thảo về nông nghiệp sáng 5/3.
Tiêu Việt Nam đang trải qua những ngày tháng khốn khó kể từ khi bước lên đỉnh hoàng kim 5 năm trước. Năm 2010, giá hồ tiêu tăng mạnh và đến thời điểm 2015, hồ tiêu trong nước đạt đỉnh 230.000 đồng/kg.
Mức giá hấp dẫn này khiến nhiều nông dân ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đổ xô vào hồ tiêu. Nhiều nơi, bà con chặt cao su, cà phê, đổ vốn liếng để trồng loại cây này.
Diện tích trồng hồ tiêu đã tăng "nóng". Nếu năm 2010, diện tích trồng tiêu là 51,5 nghìn ha – đã vượt quy hoạch là 50.000 ha cho năm 2020, thì đến thời điểm hiện tại, diện tích đã xấp xỉ 153 nghìn ha, tăng gấp 3 lần.
Việt Nam cũng là nước sản xuất nhiều tiêu nhất thế giới. Trong năm 2018, lượng tiêu Việt là 245.000 tấn trên tổng số 525.000 tấn toàn cầu. Việt Nam cũng chiếm 60% lượng tiêu xuất khẩu của thế giới. Nhu cầu tiêu thụ loại gia vị này trên thế giới dao động từ 300.000 – 350.000 tấn/năm.
‘Việc tăng nóng diện tích đất trồng và sản lượng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở tất cả các nước", ông Hải nói và cho biết lý do này đã khiến cung vượt quá cầu, khiến giá tiêu giảm sâu, từ 10.000 USD/tấn chỉ còn quanh khoảng 2.000 USD/tấn.
Nhìn về những con số này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng ngành tiêu là một minh chứng điển hình cho việc sản xuất không ăn nhập với tiêu thụ. "Vàng thừa cũng ế chứ đừng nói hồ tiêu", ông nhấn mạnh.
Kinh nghiệm từ Ấn Độ
Thông tin từ Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC), trong năm 2019, Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 175.000 tấn hạt tiêu đen và 25.000 tấn hạt tiêu trắng, đạt sản lượng 200.000 tấn. Con số này giảm nhẹ hơn so với năm trước nhưng vẫn đứng đầu trên thế giới. Các vị trí thứ 2,3, 4 lần lượt thuộc về Brazil, Indonesia và Ấn Độ.
Tuy nhiên, giá tiêu Việt Nam thường được bán với giá thấp hơn so với các nước này. Số liệu trên IPC ngày 6/3/2019 cho thấy giá FOB của tiêu đen của Lumpung (Indonesia) là 2.591 USD/tấn; Kuching (Malaysia) là 3.024 USD/tấn trong khi đó, Kochi (Ấn Độ) trong ngày 6/3 không cập nhật nhưng giá của ngày 5/3 là 4.805 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu đen Việt Nam từ 2.125 – 2.275 USD/tấn (tuỳ dung trọng: 500g/l và 550g/l).
"Chất lượng tiêu Việt Nam không so sánh được với các nước, nó bị nhiễm dư lượng chất bảo vệ thực vật, cho dù phẩm vị nó ngon", bà Lương Thuỳ Liên, người sáng lập Tokin Group, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản như cà phê, tiêu nói với Trí Thức Trẻ.
Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA), trong lá thư gửi VPA cuối tháng 1/2017 cho biết 799 mẫu tiêu đen Việt Nam nhập vào EU khi phân tích trong năm 2016 chỉ có 17% số mẫu đạt chuẩn dư lượng metalaxyl – là hoạt chất trong thuốc diệt nấm.
Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, theo bà Liên, cũng có thể là một trong số những nguyên nhân khiến cây tiêu Việt Nam chết hàng loạt như đã phản ánh trên truyền thông thời gian qua.
"Mọi người có tư tưởng phun phòng, cây đang khoẻ cũng đè nó ra để phun, không ổn", bà nói. Trong khi đó, để cây sinh trưởng và phát triển tốt, người nông dân cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho đất, từ phân tích độ pH, mùn, vi lượng... Đặc biệt, bà Liên cho rằng đất cần phân hữu cơ thay vì vô cơ.
"Bón phân vô cơ như truyền đạm, uống vitamin tổng hợp, còn phân hữu cơ như ăn trái cây, uống đủ nước vậy", bà so sánh.
Một vấn đề khác của tiêu Việt Nam là khâu chế biến. Các chế phẩm từ tiêu như dầu tiêu hay nhựa dầu tiên có giá đắt hơn hàng chục lần sản phẩm tiêu thô.
Nhựa dầu tiêu (pepper oleoresin) là một loại hạt tiêu cô đặc với mỗi một kg oleoresin có thể thay thế 10kg hạt tiêu làm hương vị trong ngành chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, oleoresin cũng có những vấn đề liên quan đến lưu trữ nên cần xử lý đặc biệt. Nghĩa là để sản xuất được nhựa dầu đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, cần phát triển mạnh về công nghệ. Một trong nhiều công nghệ được phát triển để giảm thiểu nhược điểm của oloresin là công nghệ vi nang.
Ấn Độ, ở thời điểm hiện tại tuy chỉ xếp thứ 4 về xuất khẩu hạt tiêu nhưng là nhà sản xuất pepper oleoresin hàng đầu.
Theo IPC, năm 2016 Ấn Độ đã xuất khẩu 1.016.698 kg oleoresin với giá trị 59,7 triệu USD.Theo đó, thời điểm giá nhựa dầu tiêu cao nhất đạt 59 USD/kg, thấp nhất là 49 USD/kg.
Còn tính trong 9 tháng đầu năm 2018, Ấn Độ đã xuất khẩu 1.006.027 kg oleoresin với tổng giá trị 41,7 triệu USD.
Hiện Mỹ là bạn hàng lớn nhất của Ấn Độ với mặt hàng này, tiếp sau đó là Đức, Pháp, Trung Quốc, Hà Lan…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam một mặt cần giảm diện tích trồng tiêu, vốn đã vượt quá quy hoạch gần 5 lần. Mặt khác, ông nhấn mạnh đến khâu chế biến, sản xuất sản phẩm từ loại nông sản này.
"Giá dầu tiêu đắt gấp 20 lần, thế giới không đủ dầu tiêu mà bán, chúng ta lại thừa tiêu không làm gì thì vô lý quá", ông nói yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị một hội nghị chuyên sâu về chế biến tiêu trong thời gian sắp tới.