MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu thuế kinh doanh online, có 'bắt cóc bỏ đĩa'?

Tốc độ phát triển Thương mại điện tử tại Việt Nam như vũ bão, thế nhưng khoản thuế nộp cho cơ quan nhà nước còn rất hạn chế. Cơ quan thuế “rà” tới đâu, phát hiện lánh, né tránh thuế đến đó khiến việc thu thuế rất khó.

Cụ thể, Cục thuế TPHCM kiểm tra 4 ngân hàng thì đã phát hiện 575 tỷ đồng chưa kê khai thuế, song chỉ mới xử lý phạt, truy thu được chưa tới 20 tỷ đồng.

Chạy trời không khỏi nắng

Đầu tháng 8/2018, Cục thuế TPHCM cho biết, đã ra quyết định truy thu và phạt 4,1 tỷ đồng với một cá nhân có nguồn thu nhập 41 tỷ đồng từ kinh doanh trên mạng trong hai năm 2016 và 2017 nhưng không kê khai và nộp thuế. Cụ thể, người này viết chương trình trò chơi có lượt tải rất nhiều trên kênh Youtube, Facebook, Google và đã chạy quảng cáo trên các chương trình này, được trả 41 tỷ đồng. Do đó, cơ quan thuế phải truy thu, phạt và tính tiền chậm nộp 4,1 tỷ đồng, trong đó gần 3 tỷ là truy thu, còn lại là tiền phạt và tiền chậm nộp. Hiện người này đã nộp đủ 3 tỷ đồng.

Truy thu thuế TMĐT không thể không nhắc đến vụ truy thu 9,1 tỷ đồng của một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua Facebook. Theo xác minh của ngành Thuế, tài khoản ngân hàng của người này (ngụ Q.Phú Nhuận, TPHCM) có doanh thu trong 2 năm gần 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, người này chỉ thừa nhận một phần là doanh thu bán hàng, phần còn lại là tiền của cá nhân nhưng không đưa ra được bằng chứng. Khi hồ sơ chuyển qua công an để điều tra, cá nhân này mới thừa nhận toàn bộ số tiền trên có được là nhờ bán hàng qua Facebook và đồng ý kê khai thuế.

Theo Cục Thuế TPHCM, đơn vị này sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng khác, rà soát hóa đơn gửi/rút để nắm được những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh online, có giao dịch “khủng” nhưng… quên nộp thuế. Đặc biệt là những cá nhân, doanh nghiệp trong nước nhận được tiền từ các tổ chức nước ngoài nhưng phần lớn không được kê khai thuế hoặc kê khai không đầy đủ. Các nguồn thu ở đây đến từ hoạt động như viết phần mềm, trò chơi hoặc các video clip...

Mới đây, Cục Thuế TPHCM đã chuyển hồ sơ của cá nhân tạm trú ở TPHCM về tỉnh Quảng Nam để truy thu thuế. Người này đã nhận 17 tỷ đồng từ quảng cáo trên Google, Facebook, Youtube... Đáng chú ý, theo một đại diện ngành Thuế, con số này không chỉ dừng ở một vài cá nhân đã nhận vài chục tỷ đồng từ các trang TMĐT mà còn lớn hơn nữa. Và có người nhận tiền nhưng chưa khai báo và nộp thuế theo đúng quy định.

Bắt tay với ngân hàng để truy thuế

Một cán bộ trong lĩnh vực thuế kể, cách thức xác minh các đầu mối để truy ra doanh thu gồm: Nguồn hàng đã lấy bán; doanh số giao hàng thực hiện qua bưu điện hoặc công ty giao nhận; số tiền thanh toán giao dịch qua các ngân hàng... Sau đó rà soát số điện thoại, địa chỉ đăng ký để gửi thư mời đến các chủ tài khoản. Nếu người kinh doanh chối, ngành Thuế có thể cải trang thành khách mua hàng để “bắt tận tay”.

Sau khi lên danh sách các chủ tài khoản, Cục thuế TPHCM sẽ chuyển cho các chi cục thuế giải quyết. Nhiệm vụ của chi cục thuế là xác minh địa chỉ, với những người có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, chi cục sẽ gửi thư mời họ lên yêu cầu nộp thuế. “Tuy nhiên, khi chi cục thuế mời các cá nhân đến làm việc thì nhiều người không hợp tác. Mặt khác, các chủ tài khoản này có thể bán hàng ở quận này, nhưng giao dịch tại nơi khác, việc xác định chính xác người kinh doanh cũng rất khó khăn” - cán bộ này cho hay.

Hiện nay, TPHCM có gần 300 sàn giao dịch TMĐT, hơn 8.170 trang web và 73 trang mạng xã hội TMĐT được cấp giấy phép hoạt động. Cục thuế TPHCM cũng đã phát thư mời đến 13.469 chủ tài khoản lên làm việc.

Ông Nguyễn Nam Bình, Cục phó Cục thuế TPHCM cho biết sau thời gian theo dõi, cơ quan thuế phát hiện không chỉ có cá nhân, doanh nghiệp trong nước trả tiền quảng cáo cho Facebook, Google, Youtube... mà ngược lại các tổ chức này cũng trả số tiền rất lớn cho các cá nhân, doanh nghiệp trong nước. Và những khoản thu nhập này phần lớn không được kê khai, nộp thuế, hoặc nộp thuế không đầy đủ.

“Thông qua hai trường hợp trên, Cục thuế TPHCM cũng muốn gửi thông điệp đến các doanh nghiệp, cá nhân khác có các hoạt động nhận tiền từ tổ chức nước ngoài cần chủ động kê khai. Đặc biệt trong đó là các hoạt động có nguồn thu từ sản phẩm công nghệ như viết phần mềm, ứng dụng, trò chơi… Cơ quan Thuế sẽ tích cực hơn nữa trong việc phối hợp cùng các ngân hàng để thực hiện có hiệu quả hơn” - ông Bình chia sẻ.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên