MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Giá thịt lợn chắc chắn sẽ giảm

12-06-2020 - 17:07 PM | Thị trường

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định như vậy sau khi Bộ này ra quyết định bắt đầu cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm từ hôm nay, 12/6.

5 triệu lợn thịt sẵn sàng vào Việt Nam

Số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu trên 70 nghìn tấn thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Nga.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 7.700 con lợn giống (tăng hơn 300% so với tổng số lợn giống nhập khẩu năm 2019).

Tuy nhiên, giá thành thịt lợn trong nước chưa "hạ nhiệt" được bao nhiêu, chính vì vậy Bộ NN&PTNT đã quyết định ra phương án nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6/2020.

Theo đó, Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật cụ thể việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm theo các quy định hiện hành, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn lợn.

Cục Thú y sẽ chịu trách nhiệm tăng cường lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành tại cửa khẩu và chính quyền địa phương, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng về việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trong việc nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam.

Sau khi đạt được các mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 178/TB-KL và dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định và trình tự hiện hành.

Trước khi dừng áp dụng biện pháp nhập khẩu này 1 tháng, Cục Thú y có trách nhiệm thông báo cho các đơn vị liên quan biết để chủ động thực hiện.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Giá thịt lợn chắc chắn sẽ giảm - Ảnh 1.

Nhập khẩu lợn giống từ Thái Lan về Việt Nam. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

"Quy định nhập thịt lợn từ Thái Lan cũng rất nghiêm ngặt, lợn được phép xuất khẩu về Việt Nam phải nằm trong vùng bán kính 10km không có dịch bệnh trong 12 tháng; lợn không được tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nơi xuất hàng; không có biểu hiện bệnh vào ngày xuất khẩu.Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Cục Thú y và đại diện phía Thái Lan đã thỏa thuận xong mẫu chứng nhận kiểm dịch, đề nghị phía Thái Lan cung cấp mẫu kiểm dịch. Hiện lợn tại  Thái Lan không có các bệnh Nipah, Teschen, dịch tả lợn châu Phi, viêm mụn nước…

Lợn giết mổ không được sử dụng thức ăn có chất cấm, tiêm phòng các loại dịch bệnh lở mồm long móng, lợn tai xanh, được lấy mẫu xét nghiệm không quá 30 ngày và âm tính với dịch tả lợn châu Phi.

Lợn có nguồn gốc từ trang trại được quản lý theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, vận chuyển xe chuyên dụng trên đất liền, phải đảm bảo vệ sinh thú y, được tiêu độc khử trùng theo đúng quy định" - ông Đông cho biết.

Được biết, đã có 8 doanh nghiệp Thái Lan có các trang trại chăn nuôi đủ điều kiện để nhập lợn sống sang Việt Nam. Bộ NN&PTNT cho biết theo khảo sát 8 doanh nghiệp này hiện có khoảng 5 triệu con lợn. Tuy nhiên, số lợn nhập khẩu về có thể thay đổi do nhu cầu của doanh nghiệp.

Giá thịt lợn đang giảm

Trong cuộc làm việc với báo chí vào chiều muộn ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết giá lợn nhập khẩu về Việt Nam sẽ phụ thuộc vào chi phí vận chuyển, hao hụt, chi phí nuôi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển đến nơi cách ly, giết mổ, việc này của do doanh nghiệp tính toán. Tuy nhiên, ông Tiến cũng khẳng định: "Không thể có chuyện nhập lợn sống về giá cao hơn thị trường trong nước hiện nay".

Lý giải rõ hơn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Khảo sát cho thấy, Thái Lan có nền chăn nuôi tiên tiến, giá thịt lợn ở Thái Lan thấp hơn giá trong nước. Lợn sống cũng chỉ được nhập khẩu từ 8 doanh nghiệp Thái Lan. Các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước chắc chắn cũng có tính toán, cân đối giá thành, chi phí. Chắc chắn là khi nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam, giá thịt lợn trên thị trương sẽ hạ nhiệt".

Làm rõ thêm tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới thời gian qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ NN&PTNT giao cho cơ quan thú y báo cáo, trên cơ sở đó Bộ sẽ có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố đẩy mạnh quản lý nhập khẩu ở các cửa khẩu, đặc biệt là đối với lợn sống.

"Ngay sau đây, Bộ sẽ ký văn bản để gửi các tỉnh, thành đề nghị phối hợp ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới; cùng với sự tham gia của Ban chỉ đạo 389 và những đơn vị chức năng có liên quan, tin rằng tình trạng này sẽ được ngăn chặn", lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường nông sản Việt Nam, nhận định nhập khẩu lợn sống đáp ứng được nhu cầu thịt nóng của người tiêu dùng, có tác dụng kéo giá thịt lợn trong nước xuống tốt hơn nhập thịt đông lạnh.

"Thịt lợn đông lạnh chủ yếu để chế biến và sử dụng trong bữa ăn công nghiệp, trong khi thịt lợn nóng luôn góp mặt trong bữa ăn gia đình", ông Bích nói.

Bên cạnh đó, do lo ngại bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tái phát nên chủ trang trại sẽ bán lợn sớm hơn, từ đó kéo giá giảm. Người chăn nuôi bình thường để lợn 100-120 kg mới bán, giờ bán sớm nhằm tránh nguy cơ dịch tái phát.

"Việc bán lợn sớm làm tăng nguồn cung thịt lợn trong nước. Tuy nhiên, tác động chỉ tích cực ở thời điểm hiện tại, còn về lâu về dài sẽ lộ ra là thiếu thịt lợn", vị chuyên gia phân tích.

Trước lo ngại nếu ồ ạt cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan với mức giá cạnh tranh sẽ gây khó khăn cho người chăn nuôi trong nước, gián tiếp cản trở công tác tái đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, việc nhập khẩu lợn sống trên tinh thần đảm bảo lợi ích của cả các nhóm đối tượng: Người chăn nuôi; người giết mổ, phân phối và người tiêu thụ.

Đến thời điểm phù hợp, cơ quan chuyên môn sẽ tính toán, cho dừng nhập khẩu.

Theo báo cáo của 63 tỉnh thành, đến cuối tháng 5/2020, tổng đàn lợn cả nước đã đạt 24,89 triệu con, bằng 80,3% so với thời điểm 31/12/2018, lúc đàn lợn ở mức cao ổn định. Tốc độ tái đàn lợn thời gian qua vẫn diễn ra nhanh và thuận lợi. Cụ thể, tốc độ tăng đàn lợn cả nước trong 5 tháng đầu năm 2020 bình quân đạt 5,78%/tháng.

Những ngày gần đây, giá lợn hơi trong nước đang có xu hướng giảm nhẹ, có ngày một số nơi giảm từ 5-10 nghìn đồng/kg, tuy nhiên vẫn đang ở mức rất cao. Cụ thể, tại các tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi đến ngày hôm qua (11/6) vẫn đang dao động ở mức phổ biến xung quanh 92-95 nghìn đồng/kg.

Tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, giá lợn hơi phổ biến có xu hướng giảm thêm từ 1.000 - 4.000 đồng/kg, còn 85.000 - 89.000 đồng/kg.

Theo Đỗ Hương

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên