MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng chấp thuận kiến nghị cơ chế đặc thù của TP.HCM

28-06-2016 - 13:32 PM | Bất động sản

Chiều 27/6, lãnh đạo TP.HCM đã có nhiều kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hàng loạt cơ chế đặc thù...

Tại buổi làm việc chiều 27/6, lãnh đạo TP.HCM đã có nhiều kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hàng loạt cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho thành phố phát triển. Thủ tướng đã cơ bản nhất trí với các kiến nghị của TP.HCM.

Kiến nghị 7 vấn đề lớn

Sau khi báo cáo về những kết quả KT-XH 6 tháng đầu năm 2016 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu lên 7 vấn đề lớn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện cho TP phát triển. Cụ thể, cần phân cấp, ủy quyền mạnh cho TP thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành - lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù.

Về lĩnh vực phí và lệ phí, TP đề xuất được thí điểm quy định một số khoản thu, chi và lệ phí phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương như: Phí xăng dầu, phí môi trường, phí sử dụng bất động sản và chuyển nhượng bất động sản.

TP cũng kiến nghị cho phép UBND TP phân cấp UBND quận, huyện thực hiện kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nhà chung cư bị nguy hiểm, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/12.

Về cơ chế đặc thù, đáng chú ý, TP không kiến nghị cho tăng tỷ lệ % để lại cho ngân sách TP, mà kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giữ nguyên tỷ lệ 23% để lại cho ngân sách TP như hiện nay kể từ năm 2017. Nhưng TP kiến nghị mức tỷ lệ này phải ổn định trong vòng 10 năm nhằm tạo điều kiện để TP chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính trung - dài hạn...

Đối với lĩnh vực hạ tầng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng, hạ tầng giao thông yếu kém đang kéo lùi sự phát triển KT-XH của TP. Hệ thống kết nối giao thông vùng với TP HCM hiện rất yếu kém, thường xuyên bị ùn tắc vào những ngày cao điểm.

“Các dự án giao thông kết nối TP HCM quá chậm. Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có những triển khai chậm. Tuyến QL13 kết nối Bình Dương, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; QL22… đều đã có dự án rồi nhưng triển khai chậm quá. Rồi dự án cải tạo CHK quốc tế Tân Sơn Nhất cũng chậm triển khai khiến ùn tắc cả trên trời, dưới đất”, Bí thư Thăng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh chiều 27/6
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh chiều 27/6

TP.HCM phải là Hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông

Để có hệ thống hạ tầng giao thông tốt phục vụ phát triển KT-XH, TP.HCM kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn ODA như: Đường sắt đô thị, đường vành đai, trong đó ưu tiên tuyến Vành đai 3 kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với QL22, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, đường trên cao và một số đường hướng tâm.

Với các dự án đường sắt đô thị, TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận tiếp tục áp dụng cơ chế vay lại đối với các dự án đang triển khai, đặc biệt là phần vốn vay bổ sung do phát sinh của dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương. Đồng thời, áp dụng cơ chế này đối với tuyến metro số 5 ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn.

Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương phân kỳ đầu tư tuyến metro số 5 thành hai giai đoạn. Đoạn ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn và đoạn ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới. Cho phép thực hiện trước các gói thầu tư vấn quản lý dự án sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Tây Ban Nha trước khi dự án đầu tư tuyến metro số 5 giai đoạn 1 được phê duyệt.

Với các bãi xe, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm có ý kiến về chính sách ưu đãi. Cụ thể, được miễn tiền thuê đất đối với phần diện tích các hạng mục công trình liên quan phục vụ dịch vụ đỗ xe khi đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các loại hình bến bãi. Được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm.

Kiến nghị chấp thuận thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Điều hành giao thông đô thị TP với vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, bổ sung dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm Điều hành giao thông đô thị TP với kinh phí 1,65 triệu USD vào danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại của ADB.

Về các đề xuất của TP.HCM liên quan đến lĩnh vực GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa hoàn toàn đồng tình. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo đối với việc giao đất tại khu vực CHK quốc tế Tân Sơn Nhất để tiến hành mở rộng khu vực đường lăn, sân đỗ nhằm giải quyết tình trạng quá tải hiện nay.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP cần xây dựng một đề án cụ thể, có lộ trình thực hiện. Đích thân Thủ tướng sẽ có thêm một buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM và các Bộ, ngành liên quan để chỉ đạo thực hiện theo đề án này.

Thủ tướng cũng đồng tình với kiến nghị về việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nhằm kết nối vùng mạnh hơn nữa để thể hiện vai trò trung tâm của TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Tôi đồng ý với các kiến nghị của TP HCM. Những gì luật chưa quy định thì cho phép TP.HCM thí điểm thực hiện. Những vấn đề này nói nhiều rồi mà vẫn chưa thực hiện được thì làm sao phát triển. TP.HCM phải thực hiện mục tiêu trở thành Hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông chứ không chỉ là Hòn ngọc Viễn Đông”, Thủ tướng nhấn mạnh.

19 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM

Các dự án do Bộ GTVT quản lý gồm: Nút giao thông khác mức trên đường Tân Tạo - Chợ Đệm với đường Trần Đại Nghĩa; Nút giao khác mức trên đường Tân Tạo - Chợ Đệm với tỉnh lộ 10B.

Các dự án thành phố quản lý gồm: Nút giao thông Mỹ Thủy (Q 2); Nút giao cầu vượt thép tại ngã 6 Gò Vấp; Hầm chui tại nút giao An Sương; Dự án kết nối đường cầu Nguyễn Văn Cừ và đường Võ Văn Kiệt; Dự án kết nối cầu Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt; Nút giao thông Trường Sơn - Hồng Hà; Nút giao thông ngã 7 Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn; Dự án cầu vượt thép tại ngã 6 Công trường Dân chủ; Cầu vượt thép tại nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh; Nút giao Lê Đại Hành - Ba Tháng Hai; Nút giao Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Tri Phương.

19 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM

Các dự án do Bộ GTVT quản lý gồm: Nút giao thông khác mức trên đường Tân Tạo - Chợ Đệm với đường Trần Đại Nghĩa; Nút giao khác mức trên đường Tân Tạo - Chợ Đệm với tỉnh lộ 10B.

Các dự án thành phố quản lý gồm: Nút giao thông Mỹ Thủy (Q 2); Nút giao cầu vượt thép tại ngã 6 Gò Vấp; Hầm chui tại nút giao An Sương; Dự án kết nối đường cầu Nguyễn Văn Cừ và đường Võ Văn Kiệt; Dự án kết nối cầu Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt; Nút giao thông Trường Sơn - Hồng Hà; Nút giao thông ngã 7 Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn; Dự án cầu vượt thép tại ngã 6 Công trường Dân chủ; Cầu vượt thép tại nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh; Nút giao Lê Đại Hành - Ba Tháng Hai; Nút giao Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Tri Phương.

Theo Phan Thư

Báo Giao Thông Vận Tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên