MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng chỉ ra 4 vấn đề còn tồn đọng bên trong "kỳ tích quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản"

Đây là nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi bế mạc Hội nghị đối thoại với nông dân diễn ra sáng nay. Đây cũng là lần đầu tiên trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ, ông gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn với đại diện nông dân trong cả nước.

Sáng nay, Thủ tướng tham dự Hội nghị đối thoại với nông dân có chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm Đổi mới".

Thủ tướng nhận định cuộc đối thoại này có ý nghĩa rất quan trọng để Chính phủ trực tiếp nắm tâm tư, nguyện vọng của nông dân. Thông qua đó tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Buổi đối thoại cũng cho Thủ tướng một cảm nhận, rằng nông dân Việt Nam hôm nay có khát khao vươn lên mạnh mẽ, nắm bắt xu thế thời cuộc và hội nhập.  

Nông nghiệp và những thành tựu sau 30 năm Đổi mới

Nông nghiệp Việt Nam, theo Thủ tướng đã có nhiều thành tựu lớn. Cụ thể, từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu về nhiều mặt hàng nông sản, là nguồn cung quan trọng cho thị trường thế giới.

Trong năm 2017, ngành nông nghiệp đạt gần 43 triệu tấn lúa, 5 triệu tấn ngô, trên 1,5 triệu tấn cà phê, gần 1,1 triệu tấn cao su, trên 7,2 triệu tấn thủy sản… Kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản năm 2017 đạt kỷ lục 36,37 tỷ USD; xuất siêu trên 8,55 tỷ USD và năm 2018 đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD.

"Làm nên kỳ tích Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu về nông sản là công sức của 11 triệu hộ nông dân với 24 triệu lao động trực tiếp trong cả nước, bằng tinh thần vượt khó, sự sáng tạo, lao động miệt mài "một nắng hai sương" trên đồng lúa, vuông tôm, hay khơi xa", Thủ tướng nói.

4 vấn đề còn tồn đọng

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều khó khăn, tồn tại, thách thức đặt ra yêu cầu cấp bách cần nhanh chóng khắc phục, giải quyết để phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững hơn, nâng cao hơn nữa đời sống của người nông dân.

Thứ nhất, là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn phổ biến, đặt ra yêu cầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn, theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao.

Thứ hai là năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Tình trạng bị động trong sản xuất, thiếu gắn kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, dẫn đến tình trạng "được mùa, rớt giá", dư thừa sản phẩm, tiêu thụ khó khăn. Khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Tích tụ đất đai còn khó khăn và quy hoạch phát triển nông thôn còn yếu.

Thứ ba là dù được cải thiện nhưng đời sống của bà con nông dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người. Hầu hết người nghèo vẫn ở khu vực nông thôn.

Thứ tư là xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi vẫn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ít quan tâm tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.

8 nội dung lớn cho nông nghiệp, nông thôn

Để phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng đã chia sẻ một số định hướng lớn.

Thứ nhất về tầm nhìn phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đơn cử như về nông nghiệp, cần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài…

Thứ hai là các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, theo Thủ tướng cần phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ ba, theo Thủ tướng cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Thứ tư cần đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn.

Thứ năm cần có giải pháp giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua…

Thứ sáu cần tăng cường dân chủ cơ sở, thường xuyên đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Thứ bảy, các bộ ngành cần tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường quốc tế và các thỏa thuận thương mại tự do.

Thứ tám cần khuyến khích các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh rõ nét, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp, ứng dụng phương thức thương mại điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực tâm thiết lập quan hệ đối tác với nông dân.

T.Công

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên