Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Nông nghiệp hữu cơ không chỉ cho người giàu”
Những thành công của một số mô hình tiên phong trong ứng dụng sản xuất sản phẩm hữu cơ đang mở ra cơ hội lớn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nông nghiệp hữu cơ không chỉ cho người giàu nên cần phát triển bài bản.
Sáng ngày 16-12, Diễn đàn quốc tế nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển và hội nhập do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp cùng Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và Tập đoàn TH true MILK tổ chức.
Ít doanh nghiệp tiên phong, nhiều mô hình “tự phong”
Là một trong những doanh nghiệp ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn, bà Thái Hương, chủ tịch Tập đoàn TH cho biết với việc xác định con đường phát triển các dòng sản phẩm thực phẩm sạch, hữu cơ “vì sức khỏe cộng đồng”, TH đã triển khai sản xuất rau củ quả, thảo dược và sữa tươi theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
Song để sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ không phải đơn giản, TH phải đầu tư, nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng về đất đai, giống, nguồn nước và tập huấn kỹ thuật. Ngày 17-12-2015 Control Union đã cấp chứng nhận hữu cơ cho 37 loại rau sạch và 5 loại thảo dược của TH. Rau củ quả hữu cơ TH bán tại thị trường trong nước, còn 5 loại quả và thảo dược gồm quả gấc, rau má, lá hồng, quả hồng, lạc tiên đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ để chiết xuất tinh chất sản xuất dòng sản phẩm Total Happiness Naturals mang thương hiệu TH. Hiện tại, TH tiếp tục dùng nguyên liệu này để sản xuất dòng sản phẩm TH true Herbal bán tại thị trường Việt Nam.
Với ngành chăn nuôi, TH là doanh nghiệp tiên phong khởi xướng chuyển đổi bò sữa sang chăn nuôi hữu cơ. Những cánh đồng trồng cây thức ăn và chăn thả bò sữa hữu cơ của TH triển khai theo chuẩn organic của châu Âu và Mỹ được hình thành. Đến cuối tháng 4-2017 Control Union đã chính thức cấp chứng nhận hữu cơ cho trang trại bò sữa hữu cơ TH và toàn chuỗi sản xuất.
Theo bà Thái Hương, Bộ NN&PTNT đã đánh giá TH là tập đoàn ghi dấu ấn là đơn vị tiên phong triển khai làm sữa tươi hữu cơ, thực hiện chuyển đổi đàn bò, đồng cỏ sang chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hiện tại TH đã gây dựng đàn bò, bê chuyển sang quy mô lớn nhất Việt Nam với tổng đàn lên tới hơn 1000 con, đưa ra thị trường sản phẩm sữa TH true MILK Organic.
Cần bộ tiêu chuẩn hữu cơ, ngăn “đội lốt”
Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng có được thành công như TH true MILK. Hiện cả nước có 33 /63 tỉnh thành có mô hình nông nghiệp hữu cơ, với diện tích sản xuất năm 2015 là 70.000 ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Nhưng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhưng chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp lớn như TH true MILK có chứng nhận từ các tổ chức quốc tế, còn lại là “tự phong”.
“Sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn nhỏ bé về quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Việc chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang mô hình sản xuất hữu cơ chặt chẽ về quy trình và khắt khe về tiêu chuẩn là rất khó khăn. Bên cạnh đó, khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất và chứng nhận còn thiếu, chưa có hệ thống giám sát chất lượng, lòng tin của người tiêu dùng chưa được đảm bảo, thị trường tiêu thụ chưa phát triển” - Bộ trưởng Cường nhìn nhận.
Bà Thái Hương cũng bày tỏ băn khoăn khi trên thực tế thị trường sản phẩm hữu cơ hiện chưa gây dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Trong chuỗi sản xuất hữu cơ chưa có cơ quan nào bao quát được toàn bộ chuỗi từ trồng trọt, sơ chế, phân phối, chế biến…
Chưa kể, chi phí sản xuất hữu cơ cao hơn sản xuất thông thường, nên các sản phẩm bình thường cũng “đội lốt” hữu cơ, gây hiểu nhầm cho sản xuất. Do đó, bà Thái Hương đề nghị cần phải có tiêu chí, tiêu chuẩn minh bạch về sản phẩm hàng hóa hữu cơ, giúp sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhằm giải quyết những khó khăn trên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết đã phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan đang hoàn thiện Nghị định nông nghiệp hữu cơ để trình Chính phủ. Đồng thời xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 nhằm hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách về nông nghiệp hữu cơ.
Theo kế hoạch, vào cuối tháng 12 năm nay hoặc đầu tháng 1/2018 sẽ ban hành nghị định cũng như xây dựng đề án. Gắn với đó sẽ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất và tiêu dùng về lợi ích sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
“Không làm nông nghiệp hữu cơ theo phong trào”
Lắng nghe tất cả những ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nông nghiệp hữu cơ sẽ là bộ phận quan trọng của nông nghiệp Việt Nam. Cũng bởi, tiềm năng cho thị trường nông nghiệp hữu cơ là rất lớn, khi tầng lớp trung lưu của người Việt ngày càng tăng, mà yêu cầu thực phẩm sạch, chất lượng là nhu cầu cấp thiết. Đồng thời, nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cũng đang là xu hướng của thế giới.
Do đó, Thủ tướng cho biết tới đây sẽ có cách chính sách để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, mà trước hết là cần có nhận thức đúng đắn về phát triển lĩnh vực này. Nông nghiệp hữu cơ sẽ gắn với phi nông nghiệp hữu cơ, xác định lựa chọn loại sản phẩm, gắn yêu cầu thị trường, ưu tiên ưu tiên cây trồng bản địa gắn với du lịch sinh thái.
Thủ tướng cũng cho biết sẽ giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, cụ thể hóa các hoạt động, thúc đẩy phát triển bài bản trên cơ sở nâng cao chất lượng, đào tạo, tín dụng, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường…
“Nông nghiệp hữu cơ không chỉ cho người giàu. Không làm nông nghiệp hữu cơ theo phong trào, mà có chỉ đạo, tìm thị trường cho sản phẩm hữu cơ, hình thành hệ sinh thái, văn hóa nông nghiệp hữu cơ ở nông nghiệp” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Với đề nghị “minh bạch tiêu chí, tiêu chuẩn hữu cơ”, Thủ tướng tán thành ý kiến của Doanh nhân Thái Hương và cho rằng, sữa của tập đoàn TH sở dĩ gây dựng được niềm tin với người tiêu dùng là nhờ minh bạch thông tin sản phẩm.
Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết lập quy định kiểm tra nghiêm khắc và minh bạch, đáp ứng yêu cầu quốc tế. Gắn với việc siết chặt việc cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ để tổ chức phát triển bền vững, có quy mô lớn.