MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Đặc khu kinh tế đã giúp nhiều quốc gia phát triển, thời thế mới thì mô hình sẽ như thế nào, Việt Nam có cần làm không?

Thủ tướng đã nêu ra hàng loạt câu hỏi khi nhắc đến mô hình đặc khu kinh tế tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Kinh tế Trung ương, sáng 17/1.

Đánh giá tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: "Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan nghiên cứu, tham mưu cấp chiến lược, đề xuất trình Bộ Chính trị ban hành nhiều chủ trương chính sách lớn, quan trọng về kinh tế-xã hội".

Theo đó, Thủ tướng đánh giá cao công tác phối hợp, hợp tác với Chính phủ thời gian qua có sự thống nhất cao, từ nhận thức đến hành động, từ chủ trương đến thực tiễn, không có hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", hay "ông nói gà, bà nói vịt", đồng thời không nhầm lẫn chức năng, nhiệm vụ giữa Ban Xây dựng Đảng và Chính phủ.

Nêu bối cảnh tình hình khu vực và thế giới dự báo tiếp tục có biến động khó lường, những thách thức và thuận lợi đan xen đối với sự phát triển của đất nước thời gian tới, Thủ tướng cho rằng các ban xây dựng Đảng, đặc biệt là Ban Kinh tế cùng các bộ, ban, ngành và Chính phủ cần đoàn kết cùng vượt khó, phối hợp tốt hơn nữa để đưa đất nước tiến lên.

Trong đó, về vấn đề kinh tế-xã hội, Thủ tướng nêu nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển hiện nay là thể chế, nút thắt về tư duy.

"Nếu không thay đổi về tư duy kinh tế thì dẫu có điều chỉnh thể chế cũng vẫn là thể chế cũ, là "bình mới rượu cũ", không thể có đột phá, Thủ tướng cho biết.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương phải là cơ quan tiên phong trong đổi mới tư duy, dẫn dắt, định hướng cho sự phát triển của đất nước thông qua việc hiện thực hóa các đề xuất, kiến nghị của Ban thành nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư.

Thủ tướng cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất vấn đề mang tầm chiến lược mà Việt Nam cần phải thúc đẩy mạnh mẽ ngay trong năm 2020.

Đơn cử như về công nghiệp hóa, Thủ tướng gợi ý trong giai đoạn tới Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa thế nào, nhất là trong cam kết chống biến đổi khí hậu của nước ta với thế giới.

"Chúng ta nói nhiều đến chuyển giao công nghệ và gần đây nói đến sản xuất tại Việt Nam và sản xuất bởi Việt Nam. Cụ thể các chính sách đó là gì? Song song với chiến lược công nghiệp hóa thì bài toán tiếp theo là xây dựng và triển khai chiến lược FDI mới phù hợp với tình hình quốc tế để phục vụ hiệu quả đường lối công nghiệp hóa mà chúng ta lựa chọn", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đặt vấn đề về tận dụng được cơ cấu dân số vàng cho phát triển. Ông nói: "Có cách nào để phát triển mạnh mẽ hơn nữa tầng lớp trung lưu để tầng lớp này trở thành một lực lượng quan trọng tạo động lực phát triển mạnh mẽ đất đất nước?", hay những nghiên cứu, đề xuất để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về mô hình đặc khu kinh tế, Thủ tướng đặt vấn đề mô hình này đã giúp nhiều quốc gia vươn lên và nhanh chóng tham gia các nhóm quốc gia công nghiệp phát triển. Theo đó, ông đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về vấn đề này.

"Thời thế mới thì các mô hình đặc khu sẽ như thế nào? Có mô hình nào mà chúng ta có thể áp dụng để tìm được động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của nước ta? Việt Nam có cần đặc khu kinh tế không? Chúng ta tiếp tục làm không? "Những mô hình thế giới, khu kinh tế, khu công nghiệp, những đặc khu kinh tế là những mô hình mà chúng tôi nghĩ rằng phải tiếp tục nghiên cứu tốt hơn. Ban Kinh tế sẽ giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như Chính phủ tiếp tục phối hợp xử lý vấn đề này", Thủ tướng nói.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên