MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nói thẳng về tình trạng "bị dọa nạt"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cộng đồng doanh nghiệp thẳng thắn nêu ra những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt trong việc thanh kiểm tra và tình trạng cơ quan quản lý nhà nước dọa nạt doanh nghiệp.

Chính phủ hiểu doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển và rất thấm thía khi mỗi năm có hàng chục ngàn DN giải thể, phá sản. Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra sáng 23-12 tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị, cùng với 1.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cộng đồng 700.000 DN, từ đó hoàn thiện thể chế, gỡ vướng về chính sách giúp DN phát triển mạnh mẽ, hội nhập, hiệu quả và bền vững.

Mở đầu bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại "cú đúp" huy chương vàng của môn bóng đá nam và bóng đá nữ Việt Nam tại SEA Games 30 vừa qua để nói về tinh thần xả thân. Với tinh thần này, Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nhân, DN sẽ có khát vọng để đưa Việt Nam cất cánh.

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nói thẳng về tình trạng bị dọa nạt - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp - Ảnh: Quang Hiếu

Trong những ngày cuối cùng của năm 2019, Thủ tướng cho biết tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam năm qua sẽ đạt trên 7%, dù bối cảnh khu vực và trên thế giới có nhiều biến động. Thủ tướng đánh giá đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực và cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam lần đầu tiên đạt trên 500 tỉ USD.

Thủ tướng nhấn mạnh đóng góp vào thành quả kinh tế xã hội năm 2019 cũng như hơn 3 thập niên đổi mới có vai trò quan trọng của cộng đồng DN và doanh nhân Việt Nam. "Tôi thay mặt Chính phủ trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn, nhiều mặt, có phần thầm lặng của DN chân chính đối với sự phát triển của đất nước"- Thủ tướng nói.

Dù vậy, Thủ tướng đánh giá môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn nhiều điểm nghẽn, gây trở ngại trên con đường phát triển của DN. Do đó, qua hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ mong muốn các bộ ngành, địa phương phải hành động kịp thời, đi đúng trọng tâm để gỡ vướng cho DN.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị DN nêu khó khăn, trở ngại trong quá trình sản xuất, kinh doanh như quy hoạch, tiếp cận đất đai, tín dụng, sử dụng lao động, thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giấy phép, cung cấp điện nước.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị DN có tiếng nói thẳng thắn về vấn đề thanh, kiểm tra chồng chéo, gây khó khăn cho DN như thế nào, kể cả tình trạng cơ quan nhà nước dọa nạt DN khi DN có ý kiến trái chiều.

Thủ tướng cũng chỉ rõ sự trì trệ của nhiều sở ngành ở địa phương, tình trạng chậm chạp, đá qua đá lại làm mất thời cơ của DN.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tình hình thế giới có nhiều biến động, Thủ tướng đề nghị các DN nêu các khó khăn, thách thức để các cơ quan quản lý nhà nước cùng chung tay giúp DN tăng sức "đề kháng", cạnh trạnh.

Nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, đột phá, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cộng đồng DN, doanh nhân không được vi phạm pháp luật, làm ẩu, đảm bảo tuân thủ các quy định.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên