MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD

Thủ tướng: Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ hạng 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Sáng 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm nay và dự kiến kế hoạch năm 2024 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75.000 tỷ đồng. Đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026.

Thủ tướng: Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, cùng với những kết quả đạt được thì vẫn còn những hạn chế như việc tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro; du lịch quốc tế phục hồi chậm…

Về mục tiêu năm 2024, có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%... Dự toán thu NSNN tăng khoảng 5%; bội chi NSNN dưới 4% GDP.

Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế suy giảm

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tế đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.

Thứ nhất, năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt  năm thứ 3 liên tiếp. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài; nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu; đầu tư tư nhân 9 tháng chỉ bằng khoảng 1/6 mức tăng trước đại dịch; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc khá mạnh

Thứ hai, thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế, tỷ lệ nợ xấu thị trường tăng; thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro, rất nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế...

Thứ ba, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/9 chỉ tăng 6,92%...

Thứ tư, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước lỏng lẻo, thiếu gắn kết; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với hơn 135.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng...

Ủy ban Kinh tế cho rằng, bối cảnh thế giới và trong nước đặt ra nhiều thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách vĩ mô khác. Do đó, những tháng cuối năm 2023, đề nghị tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

Đối với kế hoạch năm 2024, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; phắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 3 chương trình mục tiêu quốc gia...

Theo Vũ Phạm

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên