Thủ tướng Italy từ chức, đồng euro rơi thẳng đứng
“Tôi đã thua. Chúng tôi muốn đem đến cho người dân Italy một cơ hội để thay đổi, nhưng chúng tôi đã không thành công”, ông Renzi phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia.
- 02-12-2016Một sự kiện chấn động hơn Brexit sắp xảy ra ở châu Âu nhưng ít người chú ý
- 04-08-2016Vận mệnh kinh tế Italy đang phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng này
- 14-07-2016"Sóng ngầm" trong lòng châu Âu: Người Italy tự làm tự chịu
Sáng nay (5/12), Thủ tướng Italy Matteo Renzi vừa tuyên bố từ chức sau khi chấp nhận thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mà ông đã đặt cược vận mệnh chính trị của mình vào đó.
Kết quả thăm dò được thực hiện ngay tại các điểm bỏ phiếu (exit poll) cho thấy 59% người dân Italy đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch loại bỏ quyền lực củaThượng viện mà ông Renzi đề xuất.
Ngay sau tuyên bố của ông, đồng euro rơi thẳng đứng, xuống mức thấp nhất trong 20 tháng trở lại đây.
Đồng euro chạm đáy 20 tháng sau khi ông Renzi tuyên bố từ chức. Nguồn: Bloomberg.
“Tôi đã thua. Chúng tôi muốn đem đến cho người dân Italy một cơ hội để thay đổi, nhưng chúng tôi đã không thành công”, ông Renzi phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia.
Vị Thủ tướng 40 tuổi của nước Italy đã trở thành nhà lãnh đạo thứ hai ở châu Âu kể từ đầu năm đến nay phải tuyên bố từ chức sau khi sai lầm đặt cược rằng bản thân có thể vượt qua được làn sóng dân túy mạnh mẽ và củng cố quyền lực của mình.
Trong khi nền chính trị Anh vẫn đang ở trong “mớ bòng bong” sau Brexit – sự kiện khiến ông David Cameron mất chức, Tổng thống Italy Sergio Mattarella giờ đây phải quyết định ai sẽ là người đứng đầu Chính phủ tiếp theo và dẫn dắt đất nước tiến tới.
Những người có thể được trao quyền điều hành Chính phủ tạm thời trong thời gian sắp tới bao gồm Bộ trưởng Tài chính Pier Carlo Padoan, Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso và Bộ trưởng Văn hóa Dario Franceschini.
Các đảng chính ở Italy đã chuẩn bị các kế hoạch đối phó để đảm bảo Chính phủ sẽ hoạt động trơn tru trong trường hợp ông Renzi buộc phải ra đi.
Cuộc trưng cầu dân ý ở Italy khởi động cho 1 năm mà chính trường châu Âu được dự đoán là sẽ có rất nhiều biến động. Các đảng chính của các nước đang bị đe dọa bởi những đảng đối lập vận động cử tri bằng cách đánh vào sự giận dữ của họ trước cuộc khủng hoảng nhập cư và tình trạng kinh tế trì trệ.
Tuần trước, Tổng thống Pháp Francois Hollande từ chối theo đuổi nhiệm kỳ thứ hai, đồng nghĩa ứng viên của đảng Cộng hòa Francois Fillon sẽ là đối thủ chính của Marine Le Pen - nữ chính trị gia kêu gọi phản đối liên minh châu Âu.
Ở Đức, Thủ tướng Angela Merkel sẽ tranh cử cho nhiệm kỳ thứ 4 với đối thủ lớn nhất là đảng chống nhập cư.
Người dân Italy bỏ phiếu cho điều gì?
Thủ tướng Matteo Renzi dẫn đầu nhóm nói "có", vận động người dân bỏ phiếu cho sự thay đổi mạnh mẽ trong cả bộ máy chính trị Italy, giúp việc chèo lái nền kinh tế này dễ dàng hơn.
Nếu thành công, ông Renzi sẽ loại bỏ được quyền lực từ Thượng viện, đồng nghĩa với mọi dự luật chỉ cần Hạ viện thông qua.
Tuy nhiên, ngày 4/12, người dân Italy đi bỏ phiếu và đã chọn "không". Đây cũng là dấu chấm hết cho tương lai chính trị của đương kim thủ tướng Italy.
Hệ thống bầu cử của Italy sẽ phải khởi động để tổ chức một cuộc bầu cử vào quý 2 hoặc quý 3 năm sau.
Giới phân tích cho rằng ông Renzi thua đồng nghĩa nền kinh tế Italy không được cải cách và khiến hệ thống ngân hàng Italy gặp vấn đề nghiêm trọng. Sự bất ổn này có thể lan ra toàn châu Âu.