Thủ tướng: Làm sao để "phục hưng" Tiền Giang sầm uất, thịnh vượng hơn xưa?
Khoảng 16.000 tỷ đồng đầu tư sẽ được trực tiếp vào Tiền Giang trong thời gian tới.
- 27-03-2018Vĩnh Long tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất từ trước tới nay
- 18-12-2017Thủ tướng tiếp các doanh nghiệp dự xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp
- 21-08-2017Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản: Tháng này Chính phủ Việt Nam sẽ công bố danh mục 300 DN chuẩn bị thoái vốn
Sáng 9/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018.
Tiền Giang thường được nhắc đến với nơi cảnh quan mỹ miều, tuy nhiên, tại chuyến công tác này, Thủ tướng bày tỏ ông có thêm niềm tin mới về một địa phương có vị trí chiến lược đắc địa cho sự phát triển của tỉnh nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Theo Thủ tướng, Tiền Giang hội tụ đủ các yếu tố "nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ". Tỉnh có sự kết nối thuận tiện với TP. HCM. Tỉnh cũng trải dọc bờ Bắc sông Tiền với chiều dài 120 km và có trục cao tốc Trung Lương với nhiều quốc lộ khác đi qua. Đây còn là hành lang kinh tế, điểm giao hòa giữa miền Đông và miền Tây. Tiền Giang cũng được xem là mặt tiền của Đồng bằng sông Cửu Long.
Vì vậy, Thủ tướng cho rằng sẽ là vô lý nếu Tiền Giang không thu hút được nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế biến phục vụ cây ăn quả.
Tiền Giang, theo Thủ tướng sẽ là xung lực quan trọng cho kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ. Bài toán đặt ra là tỉnh phải đi đầu trong đổi mới.
Lịch sử cùng đất này hàng trăm năm trước được Thủ tướng nhắc lại là sầm uất, phát triển, có vị trí quan trọng về thương mại của cả Đông Nam Bộ… như một cách chứng minh những tiềm năng gợi ra hôm nay không phải là lạc quan thái quá.
Vì vậy, với điều kiện hết sức thuận lợi như ngày nay gồm cả "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", Thủ tướng đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không thể "phục hưng" lại vùng đất này trở lại sầm uất và thịnh vượng hơn xưa?
Tiền Giang cũng được đánh giá là "vương quốc" của "vương quốc trái cây" với nhiều loại trái cây, nông sản nổi tiếng. Do đó, Thủ tướng đặt câu hỏi nơi đây có trở thành một chỉ dẫn địa lý về thương hiệu trái cây Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung hay không?
Đây cũng là câu hỏi mà Thủ tướng mong muốn chính quyền và doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Tiền Giang trả lời trong tương lai gần.
Ngoài ra, Tiền Giang cũng còn nhiều lợi thế khác như du lịch, tuy nhiên, dịch vụ vẫn còn nhiều hạn chế, cần khắc phục trong tương lai.
Thủ tướng nhấn mạnh Tiền Giang hội tụ các yếu tố trở thành một siêu vệ tinh của TP. HCM nếu có tầm nhìn và khả năng hiện thực hóa tầm nhìn phát triển một cách hiệu quả, đầy quyết tâm.
Để làm được những điều này, Thủ tướng đề nghị Tiền Giang cần tích cực giải quyết các nút thắt và điểm nghẽn phát triển. Cần tiếp tục đối thoại với người dân nhiều hơn để giải quyết vướng mắc tồn tại.
Bên cạnh đó, tỉnh phải tích cực hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, nhất là vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt khi Chính phủ ban hành Nghị định 57 về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nhấn mạnh việc kết hợp tốt 5 nhà trong đó có nhà băng (ngân hàng), Thủ tướng cho biết đây là kênh quan trọng để huy động vốn cho người dân, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, để làm sao chấm dứt tình trạng tín dụng đen đang lan tràn ở một số địa phương.
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp không nên chậm trễ với những dự án, kế hoạch đầu tư vào Tiền Giang. Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, tỉnh Tiền Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư và chủ trương nghiên cứu cho các dự án với tổng số vốn trên 16.000 tỷ đồng.