Thủ tướng muốn cộng đồng doanh nghiệp trả lời được câu hỏi này!
“Doanh nghiệp Việt Nam ta phải làm gì để nâng cao năng lực của mình, để tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra câu hỏi.
- 02-12-2016Thủ tướng chỉ đạo xử lý, kiểm điểm vụ một Sở có 44 lãnh đạo
- 02-12-2016Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tạo điều kiện VAMC xử lý nợ xấu
- 26-11-2016Cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 đang thay đổi Việt Nam như thế nào?
- 14-05-2014Thế giới sẽ trải qua cách mạng công nghiệp lần 3 như thế nào?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một trong ba vấn đề được Thủ tướng đặt ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ngày 3/12.
Cuộc cách mạng này là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối với Internet, các hệ thống kết nối Internet. Nó sẽ tạo ra những đột phá về công nghệ, dẫn đến những thay đổi lớn về năng suất, hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Thế giới đang đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Thủ tướng nói. Theo đó, công nghệ thông tin đang phát triển mạnh và thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực trong xã hội.
Cụ thể, thiết bị di động trở thành công cụ trung tâm; công nghệ mô phỏng sinh học, hóa học xanh, sinh thái học công nghiệp, năng lượng tái sinh, công nghệ nano xanh sẽ phát triển mạnh và thay đổi cuộc sống con người. Và người ta dự báo nhiều sản phẩm hoàn toàn mới lạ sẽ xuất hiện trong 10 năm tới.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, hiện tại Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với xu thế của thế giới. Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, chủ yếu là dây chuyền gia công lắp ráp.
Dẫn chứng ngành dệt may, da giày, khai khoáng, Thủ tướng cho biết những ngành này vẫn đang tự bằng lòng với cách phát triển dựa vào nhân công giá rẻ và tài nguyên, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị mang lại thấp.
“Ước tính chúng ta chỉ có chưa đến 0,1% doanh nghiệp khoa học công nghệ trong tổng số doanh nghiệp. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu trong khi tại Ấn Độ tỉ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện tại, nhiều tổ chức nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo Việt Nam và một số nước sẽ dần mất đi lợi thế nhân công giá rẻ khi xu thế tự động hoá phát triển mạnh mẽ. Như tính toán của ILO hồi tháng 7 năm nay thì 86% lao động dệt may, da giày của Việt Nam, tương đương 2,3 triệu người sẽ mất việc. Dự báo của ILO hoàn toàn có khả năng xảy ra, nhất là khi đầu năm, robot đã “cướp việc”, khiến cho hơn 60.000 công nhân nhà máy Foxconn ở Trung Quốc thất nghiệp.
Do đó, trước cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đã đặt ra câu hỏi: “Doanh nghiệp Việt Nam ta phải làm gì để nâng cao năng lực của mình, để tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4?”.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng đã giao Bộ Khoa học & Công nghệ nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp để tiếp cận cơ hội và đối phó với thách thức.
“Trong nhiệm kỳ 2016-2020, tôi đề nghị các đồng chí thảo luận kỹ chương trình hành động của mình. Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phải tiếp tục làm tốt vai trò người đại diện, là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước, tăng cường sâu sát cơ sở, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, của doanh nghiệp, phát hiện những nhân tố mới, đề xuất cải cách cơ chế chính sách tạo đột phá cho phát triển để tham mưu cho Đảng, Nhà nước của chúng ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.