Thủ tướng nêu các tồn tại của Chính phủ, gồm có vụ Trịnh Xuân Thanh
Thủ tướng nhấn mạnh đến các sai phạm trong công tác cán bộ trong đó có vụ Trịnh Xuân Thanh; xếp hạng quốc tế về đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc.
- 28-12-2016Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 03 Ủy viên Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam
- 21-12-201610 tồn tại, vướng mắc của kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn Chính phủ
- 19-12-2016Kỷ luật cán bộ về hưu: Chính phủ xin thêm thời gian nghiên cứu
- 13-12-2016Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội nhiều vấn đề quan trọng
Sáng nay (28/12), phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đã diễn ra với 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là cuộc họp hết sức quan trọng, cùng thảo luận, phân tích, làm rõ để thống nhất nhận định đánh giá tình hình năm 2016 những kết quả đạt được, yếu kém để tìm ra giải pháp thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội giao Chính phủ năm 2017.
Điểm lại những kết quả đã đạt được trong năm 2016, theo Thủ tướng, đây là năm đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; một năm trong nước thiên tai, nhân tai diễn ra khốc liệt, tình hình thế giới diễn biến khó lường; nhiều yếu kém trong nội tại nền kinh tế; nhiều chính sách mới được áp dụng,... Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt với tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, qua đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về KTXH.
Cụ thể, kết quả tổng hợp tính đến ngày 27/12, năm 2016, tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,3%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách tăng; mặt bằng lãi suất giảm; thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.
Cơ cấu lại nền kinh tế đạt kết quả bước đầu. Trong bối cảnh thương mại thế giới giảm mạnh, nhưng xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng khoảng 8%, xuất siêu 2-3 tỷ USD. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 32,5% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức cao kỷ lục, với vốn thực hiện FDI đạt gần 15,8 tỷ USD (tăng 9% so cùng kỳ) và vốn FDI đăng ký mới (bao gồm cả bổ sung tăng vốn, vốn mua cổ phần) đạt 24,4 tỷ USD (tăng 7%). Năm 2016, lần đầu tiên có hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới...
Khu vực dịch vụ du lịch khởi sắc, thu hút trên 10 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng, kết quả này là cao so với chính chúng ta, còn Thái Lan, năm nay thu hút trên 30 triệu lượt khách du lịch quốc tế.
Các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 8%. Tỷ lệ người tham gia BHYT lần đầu tiên đạt 81%.
Công tác xây dựng pháp luật được chú trọng. Chính phủ ban hành nhiều Nghị định chi tiết, và lần đầu tiên Chính phủ không còn nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Thủ tướng nhận định, năm 2016 là năm có nhiều thiên tai và nhân tai. Chính phủ đã tập trung toàn lực phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, đóng cửa các cửa rừng tự nhiên. Trong bối cảnh thiên tai xảy ra liên tiếp, Chính phủ đã không để người dân nào bị đứt bữa.
Đến giờ phút này chúng ta đạt mục tiêu thu ngân sách Trung ương, đạt mức cao. Đây là cố gắng lớn của toàn ngành tài chính.
Nói về những việc Chính phủ và các địa phương đã triển khai, Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng và các địa phương đã tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt các Nghị quyết 35, 19, 60 đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả điều hành, trong đó đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, vấn đề xe công, lễ hội, đi công tác nước ngoài… nhưng kết quả chưa phải là cao.
“Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, cụ thể là việc thành lập tổ công tác kiểm tra nhiệm vụ Thủ tướng giao. Theo đó, tổng số nhiệm vụ là 10.200 nhiệm vụ, hoàn thành 6.367 nhiệm vụ, chưa xong 3.838 nhiệm vụ (trong số này có 3.656 nhiệm vụ đang giải quyết), chỉ có 182 nhiệm vụ quá hạn Thủ tướng giao" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng đã chỉ ra những tồn tại để thảo luận và đưa ra các biện pháp khắc phục như: Ngành khai khoáng giảm mạnh, nhất là dầu thô; thiên tai hạn hán, lũ lụt xâm ngập mặn; sự cố môi trường biển miền Trung; các dự án nghìn tỉ thua lỗ mất vốn; các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn rủi ro cao; xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng; nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các sai phạm trong công tác cán bộ (vụ Trịnh Xuân Thanh); xếp hạng quốc tế về đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc...
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thảo luận tại hội nghị đối với các bộ, ngành, địa phương là phải ngắn gọn, súc tích, trực diện, có các số liệu minh chứng rõ ràng; không nêu vấn đề một cách chung chung, không nói nhiều về thành tích. Tập trung sâu vào phân tích, đánh giá sát bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế để đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, yếu kém trong từng ngành, từng lĩnh vực. Quan tâm lựa chọn, đề xuất những ngành, lĩnh vực ưu tiên đột phá, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Đặc biệt, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải trên tinh thần đổi mới, thể hiện được vai trò kiến tạo của Chính phủ, sự quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước liêm chính, hành động quyết liệt; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trước các vấn đề, kiến nghị, đề xuất của các địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành tiến hành giải trình, giải đáp, làm rõ ngọn nguồn vấn đề, nêu rõ quan điểm, ý kiến, phương hướng xử lý… ngay tại hội nghị.
Sau khi nghe ý kiến các địa phương, các thành viên Chính phủ, Thủ tướng sẽ phát biểu kết luận vào cuối phiên làm việc sáng mai (29/12)./.
VOV.vn