MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Nghe nhiều chuyên gia nói Việt Nam đã bỏ sót trong quá trình tính GDP rất cao, ít nhất 30%

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường, Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh với các doanh nghiệp nước ngoài rằng nền kinh tế đã có sức chống chịu tốt hơn trước rất nhiều.

Nền kinh tế hấp dẫn dòng vốn ngoại

Bộ ba kinh tế - xã hội – môi trường luôn là trọng tâm trong quá trình phát triển của Việt Nam, theo Người đứng đầu Chính phủ phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững 2018, chiều 5/7.

Sau 30 năm, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986-2017 đạt 6,63%/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011.

Theo Thủ tướng, thu nhập của người dân đã tăng từ mức 94 USD năm 1990 lên gần 2.400 USD năm 2017, tương đương gần 7.000 USD tính theo ngang giá sức mua (PPP).  

"Riêng chuyện GDP này tôi nghe nhiều chuyên gia nói rằng Việt Nam đã bỏ sót trong quá trình tính GDP rất cao, ít nhất là 30%", Thủ tướng nói.

Lấy ví dụ, ông cho biết khi xuất khẩu, một số nước đã tính kim ngạch rất cao, còn Việt Nam tính thấp do có nhiều kênh chưa kiểm soát được. 

Theo Thủ tướng, từ năm 2010 Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao trong 2 thập niên tới, có thể rút ngắn hơn nữa.

Ông cũng nhấn mạnh các cân đối vĩ mô luôn được duy trì ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu luôn đạt mức tăng trưởng cao. Nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành một điểm đến hấp dẫn và tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế có mặt tại hội nghị "Kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện phát triển tốt, mức tăng trưởng cao, lạm phát kiểm soát tốt, khả năng chống chịu của nền kinh tế cao, dự trữ ngoại tệ, đơn đặt hàng tăng cao nhất khu vực Aesean".

Tuy thu nhập thấp nhưng là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao thứ 5 thế giới

Thủ tướng cho biết nhờ tăng trưởng kinh tế cao và chính sách phân phối hiệu quả, công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã giành được nhiều thành quả ý nghĩa. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều hiện đã giảm còn 7% vào cuối năm 2017.

Việt Nam còn đạt được nhiều thành quả trong phát triển con người dựa trên các trụ cột về giáo dục, y tế và chính sách phúc lợi xã hội. Tuổi thọ trung bình tăng lên đạt khoảng 73,5 tuổi- thuộc nhóm cao của thế giới.

Các giá trị văn hóa được giữ gìn, bảo tồn và phát triển hài hòa. Điều kiện sống của người dân, cả vật chất lẫn tinh thần đều có sự thay đổi rõ nét.

"Việt Nam tuy thu nhập thấp hơn nhiều nước nhưng được đánh giá là quốc gia có Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Thủ tướng nói.

Ngoài phát triển kinh tế và phát triển xã hội, theo Thủ tướng, từ lâu Chính phủ Việt Nam đã đặt sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường, từ việc sớm ban hành các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, chủ động lồng ghép các mục tiêu bảo vệ môi trường vào trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các giai đoạn của quốc gia và của từng địa phương, cho đến việc tích cực tham gia vào các sáng kiến bảo vệ môi trường của thế giới.

Thời gian qua Việt Nam cũng đã xử lý nghiêm khắc các sự cố gây ô nhiễm môi trường; thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi các ngành kinh tế thâm dụng tài nguyên, tiềm ẩn các nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường lớn sang các ngành kinh tế thân thiệt với môi trường, thâm dụng công nghệ.

"Đến nay Việt Nam vẫn luôn nhất quán với chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới yêu cầu cao trong phát triển bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.  

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên