MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp

Đầu giờ chiều hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bế mạc hội nghị với doanh nghiệp bằng tuyên bố tràn đầy hy vọng: "Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến với đất nước ta" và người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra cam kết: "2017 sẽ là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp".

Một chỉ thị được ký ngay trong Hội nghị

Nhấn mạnh tinh thần nói đi đôi với làm, trước khi phát biểu kết thúc Hội nghị, Thủ tướng đã ký ngay một chỉ thị liên quan đến phản ánh bị thanh kiểm tra quá nhiều của doanh nghiệp.

“Chỉ thị này được ký đúng 1h chiều hôm nay, mang số hiệu 20. Theo đó, không được thanh tra doanh nghiệp 1 năm quá 1 lần”, Thủ tướng tuyên bố. Ngay sau phát biểu này, cả hội trường ngập tràn trong tiếng vỗ tay. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cười rất tươi.

Trước khi phát biểu thêm, Thủ tướng lặp lại một lần nữa tinh thần lớn của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ sẽ luôn nỗ lực để tạo được một môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với với kinh doanh. Trong đó, không chỉ có tự do kinh doanh, sáng tạo mà còn cả an toàn.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong 1 năm qua, Chính phủ và các địa phương đã gãi đúng chỗ chứ không phải “ngứa trên đầu mà gãi dưới chân”. Mặc dù còn nhiều điều chưa hoàn thiện nhưng so với hội nghị 1 năm trước, tính gay gắt đã giảm đi nhiều, hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến, cách làm cụ thể.

Bức tranh kinh tế sáng hơn, tốt hơn

Nhìn lại 1 năm đã qua, Thủ tướng cho rằng đã có nhiều thứ đạt được. Cụ thể, đã ban hành 50 nghị định, nghị định đầu tư kinh doanh, cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; các bộ, các ngành tích cực rà soát cắt giảm nhiều thủ tục giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; nhiều chi phí dịch vụ công đang có xu hướng giảm….

Việc hợp tác quốc tế, xuất nhập khẩu cũng có nhiều khởi sắc với nhiều đơn đặt hàng mới của nước ngoài. Dẫn ra báo cáo của Nikkei, Thủ tướng cho biết Chỉ số PMI tháng 4/2017 đạt 54,1 điểm, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ trong đầu quý II/2017. Các điều kiện kinh doanh được cải thiện tốt hơn, nhiều đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh, số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài đã tăng ở mức kỷ lục, hỗ trợ cho tăng trưởng phát triển…

Bên cạnh đó, với tinh thần khởi nghiệp đang dâng cao đã tạo sức ép lên các địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

“Bức tranh kinh tế đang tốt hơn, sáng hơn”, Thủ tướng phấn khởi nói.

“Bên cạnh đó, chúng ta đã đôn đốc kiểm tra với việc thành lập Tổ công tác theo dõi, kiểm tra các ngành, các địa phương. Tất cả điều đó đạt được kết quả bước đầu rất ấn tượng mà chúng ta phải ghi lại hôm nay. Số lượng doanh nghiệp, chất lượng doanh nghiệp ở trong nước và FDI thật đáng mừng.” Thủ tướng nói thêm.

Cụ thể, 4.500 thủ tục đã xử lý và bãi bỏ; trong 1.100 kiến nghị của doanh nghiệp, đã xử lý được 850 (77,5%). Năm 2016, đã thành lập trên 110.000 doanh nghiệp; 4 tháng năm 2017, đã thành lập trên 40.000 doanh nghiệp. Theo JETRO, 66% số doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng mở rộng, 36% doanh nghiệp Mỹ dự định mở rộng kinh doanh, cao hơn ở Thái Lan (21%), Malaysia (19%). 75% các doanh nghiệp được khảo sát nói rằng kết quả cải cách đã tích cực, 25% nói chưa đạt yêu cầu. Ngân hàng Thế giới và Moody đều đánh giá Việt Nam tăng nhiều bậc về môi trường kinh doanh và chúng ta đang phấn đấu năm nay đạt nhóm đầu của ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh, có một số chỉ tiêu theo hướng tổ chức OECD.

Năm giảm chi phí cho doanh nghiệp

Dù vậy, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản, à Chính phủ đã nhận diện được vấn đề này. Cụ thể, nhiều chính sách chưa được giải quyết triệt để, chưa đi vào cuộc sống; Thuế, phí còn cao khiến cho doanh nghiệp bức xúc, Chính phủ trăn trở; Thủ tục cấp phép còn nhiêu khê, thậm chí xuất hiện cả “cò”; Tiếp cận tín dụng còn khó khăn; Thanh kiểm tra còn nhiều….

Thủ tướng cũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ cam kết sẽ tập trung giải quyết 2 vấn đề then chốt.

Thứ nhất, tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật thông qua các việc làm cụ thể như:

Bảo đảm môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật đó phải thực hiện hệ thống từ Trung ương đến địa phương, phải chuyển biến thực thi công vụ nghiêm túc, không được gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp. Nhân có Hội nghị toàn quốc, suy đến cùng là Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy ở các địa phương, Bộ trưởng phải lo trực tiếp công việc này, theo chức năng nhiệm vụ được pháp luật quy định.

Theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm một cách xuyên suốt, nhất quán trên nền tảng cải cách thể chế theo hướng cởi mở, thân thiện, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách bình đẳng, công bằng từ những thành quả tăng trưởng thương mại.

“Như vậy, tôi xin khẳng định một lần nữa rằng mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba các dự án luật, trong đó có dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành; đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi quy định các loại thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí thực hiện.

Xóa bỏ sự ưu ái, thu hồi nguồn lực và các tài nguyên đang được sử dụng kém hiệu quả, lãng phí để tái phân bổ lại cho mọi chủ thể, đối tượng dựa trên hiệu quả cạnh tranh, và khả năng cải thiện năng suất. Thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, chuyển nguồn lực cho mọi đối tượng, thành phần kinh tế có tiềm năng sử dụng, tối ưu hóa nguồn lực mà chúng ta đang có chứ không phải chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp Nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước.

“Đây là khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp. Có đồng chí đề nghị tôi đặt tên cho năm nay là ‘Năm giảm chi phí cho doanh nghiệp’”, Thủ tướng cho biết.

Thứ hai là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể, xây dựng kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế như cơ sở hạ tầng thông minh, phát triển hệ thống tài chính,…

Chính phủ phải kết hợp một cách tối ưu các nguồn lực và công cụ chính sách nhằm tạo những điều kiện cho kinh tế tư nhân, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất, tăng năng lực cạnh tranh trong kinh doanh và hội nhập quốc tế.

Đồng thời Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam.

“Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên toàn cầu, nếu chúng ta không đưa ra vấn đề này, chúng ta sẽ tiếp tục lạc hậu. Nhân nói về xây dựng thương hiệu sản phẩm, tôi muốn nói với quý vị một ý, chúng ta nên tự tin chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam. Hãy chiếm lĩnh trước tiên thị trường lớn thứ 13 của thế giới, lại là đồng bào của mình, từ đó đủ sức tiến lên từng bước, chiếm lĩnh thị trường thế giới với nhiều sản phẩm lợi thế của Việt Nam. Bỏ qua thị trường này, chúng ta thất bại”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng để giải quyết những vấn đề đó, cần có sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với quyết tâm của hệ thống chính trị, của Chính phủ.

“Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến đất nước ta, tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam. Đó chính là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên