Thủ tướng Phạm Minh Chính trình Quốc hội giữ nguyên cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ tới
Đọc tờ trình tóm tắt về Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khoá XIV.
- 22-07-2021Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu 8 trọng tâm của Chính phủ trong những tháng cuối năm 2021
- 21-07-2021Thủ tướng chỉ đạo làm rõ thông tin ‘tiêm vaccine không cần đăng ký’
- 19-07-2021Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Hà Nội phải ưu tiên số 1 cho phòng chống dịch'
- 19-07-2021Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị kỹ phương án ứng phó cho các tình huống có đến 100 - 300 nghìn ca Covid-19
- 17-07-2021Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Thủ tướng đã phải đi đến quyết định khó khăn, nhưng rất cần lúc này là yêu cầu 19 tỉnh giãn cách theo Chỉ thị 16'
Theo đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ có 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ.
Các Bộ bao gồm Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế.
Các cơ quan ngang Bộ gồm: Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.
Nói về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: "Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 được kiện toàn theo đúng chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIV như khóa XIII đã tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện tốt vai trò được giao.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết cơ cấu tổ chức của Chính phủ hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế trên một số lĩnh vực cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Chính phủ khóa XIV đã đưa ra phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV dựa trên Hiến pháp và các quy định của pháp luật đồng thời kế thừa thành tựu của Chính phủ khóa XIV cũng như khắc phục những hạn chế.
"Trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, cũng có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số Bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số Bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng", Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, với những tác động đặc thù đồng thời, căn cứ kết quả công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ đã được Quốc hội đánh giá chung tại Nghị quyết số 161/2021/QH14, báo cáo cho rằng giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết, phù hợp.
"Chính phủ xin trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khoá XIV", báo cáo nêu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu ra những nội dung mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo sau khi Quốc hội xem xét và có Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, bảo đảm bộ máy hành chính thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ hai, ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.
Thứ ba, cùng với việc triển khai cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước, nhất là các đột phá chiến lược và những nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm nhằm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.