Thủ tướng: 'Tới thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra'
Ngày 1/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2021, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.
- 01-07-2021Bộ KH&ĐT xây dựng hai kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm
- 01-07-2021Reuters: PMI giảm nghiêm trọng ở Việt Nam, Malaysia đang cảnh báo rủi ro tụt hậu của châu Á trong cuộc đua phục hồi kinh tế
- 01-07-2021PMI tháng 6 giảm mạnh xuống còn 44,1 điểm, mức nghiêm trọng nhất trong hơn một năm
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển, cần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức phiên họp từ khâu tổ chức báo cáo tới khâu thảo luận, phát biểu. Những ngày qua, Thủ tướng đã chỉ đạo việc xây dựng các báo cáo theo hướng ngắn gọn, súc tích, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ đánh giá, tập trung vào những công việc trọng tâm.
Thủ tướng nhấn mạnh, tới thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, có nơi, có lúc phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.
Thủ tướng lấy Bắc Ninh, Bắc Giang làm ví dụ, thời gian vừa qua đã ưu tiên cho nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, hiện nay đang ưu tiên cho nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Một số địa phương như Hà Nội cần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa hai nhiệm vụ, mục tiêu. TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đang phải tập trung cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Hơn nữa, ngay trong một địa phương như TPHCM, có những quận, huyện tập trung phòng chống dịch, nhưng những quận, huyện khác tình hình dịch bệnh không căng thẳng, phải tập trung phát triển kinh tế.
Thủ tướng cũng nhắc tới ví dụ về kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm để nghiên cứu, thảo luận, phân tích kỹ, làm rõ thêm về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới, tập trung vào: Phòng chống dịch bệnh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn; hoạt động xuất nhập khẩu; phát triển công nghiệp và xây dựng; phát triển nông nghiệp; phát triển các ngành dịch vụ (như đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử); thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, huy động nguồn vốn xã hội; bảo đảm lao động, việc làm, an sinh xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới, cải cách, hoàn thiện thể chế; bảo đảm quốc phòng-an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, thúc đẩy hội nhập sâu rộng; theo dõi, đôn đốc kiểm tra, khen thưởng, xử lý kỷ luật; tuyên truyền và vận động nhân dân.