MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thua lỗ nặng nề trong đầu tư chứng khoán, vì sao nhà đầu tư vẫn “kiên cường” nắm giữ?

Phần đông nhà đầu tư chứng khoán lựa chọn phương án tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang giảm giá mạnh dù rằng nhiều khả năng chúng sẽ khiến khoản thua lỗ trở nên nặng nề hơn.

Trong đầu tư chứng khoán, mục tiêu cuối cùng luôn là tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng trước khi tìm kiếm lợi nhuận thì bài học mà bạn cần quan tâm hơn cả là bảo toàn vốn và cắt giảm thua lỗ. Điều này sẽ càng có ý nghĩa hơn nếu các khoản đầu tư của bạn được tiến hành bằng tài khoản vay mượn.

Tuy vậy, nhà đầu tư thường không sẵn sàng cho việc cắt lỗ dù rằng điều này có thể khiến họ “tán gia bại sản”. Dưới đây là những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư không muốn cắt lỗ dù đang thua lỗ nặng nề:

(1) Không chịu thừa nhận sai lầm

Trong đầu tư chứng khoán, dù mới bước chân vào thị trường hay đã là một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, chắc chắn bạn sẽ phải đối mặt với những khoản đầu tư thua lỗ. Khi đó, việc tiếp tục nắm giữ cổ phiếu hay sẵn sàng cắt lỗ luôn là câu hỏi “đau đầu” với mọi nhà đầu tư.

Trên thực tế, phần đông nhà đầu tư lại lựa chọn phương án tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu này dù rằng nhiều khả năng chúng sẽ khiến khoản thua lỗ trở nên nặng nề hơn.

Bài học cắt lỗ luôn được nhắc tới trên TTCK nhưng dường như rất ít nhà đầu tư học được. Điều này xuất phát từ bản tính tự nhiên của con người là chúng ta không thích thừa nhận sai lầm của mình. Khi đầu tư chứng khoán, ngoài vốn kiến thức sẵn có, nhà đầu tư thường có thêm cái tôi, tính ngoan cố và sự thiếu quyết đoán. Đây chính là yếu tố khiến họ không sẵn sàng thừa nhận sai lầm và cắt lỗ.

(2) Chưa cắt lỗ tức là… chưa lỗ

Nhiều nhà đầu tư quan niệm cổ phiếu giảm giá nhưng chưa bán ra thì vẫn chưa bị thua lỗ. Tuy nhiên, đây chỉ là quan niệm mang tính “động viên tinh thần” bởi rõ ràng giá trị khoản đầu tư của bạn đã giảm mạnh so với giá vốn ban đầu. Nếu bạn sử dụng margin thì nguy cơ margin call đang cận kề và khi đó việc thua lỗ sẽ chính thức xác lập.

(3) Giá cổ phiếu rồi sẽ hồi lại

Lại thêm một quan niệm sai lầm nữa mà phần đông nhà đầu tư thường mắc phải. Khi cổ phiếu giảm giá, hầu hết nhà đầu tư sẽ nắm giữ chờ đợi nó phục hồi lại với giá họ đã mua. Tuy nhiên, trên thực tế, một khi cổ phiếu đã “gãy trend” thì sẽ cần rất nhiều thời gian để phục hồi. Do đó, nhà đầu tư không nhanh chóng cắt lỗ sẽ ngày càng ngập sâu trong khủng hoảng và khó có cơ hội gỡ gạc lại.

(4) Bỏ bê danh mục đầu tư khi thua lỗ

Khi danh mục đầu tư chứng khoán tăng trưởng tốt, nhà đầu tư có xu hướng quan tâm danh mục, thậm chí liên tục kiểm tra xem giá trị tài sản đã tăng thêm bao nhiêu mỗi ngày. Ngược lại, khi cổ phiếu nắm giữ giảm giá trong một thời gian, nhà đầu tư có xu hướng không quan tâm tới TTCK. Thay vì tìm phương án xử lý, không ít nhà đầu tư bỏ bê danh mục, phó mặc số phận tài khoản cho thị trường chung. Kết quả, khoản thua lỗ của họ ngày càng nặng nề hơn và khi phát hiện ra vấn đề thì mọi chuyện đã vượt ngoài tầm kiểm soát.

Đừng để nỗi đau thêm dài!

Đôi khi, cổ phiếu sẽ hồi phục ngay sau khi cắt lỗ và điều này khiến nhiều nhà đầu tư hối tiếc. Tuy nhiên, bạn không nên quá bận tâm tới điều này bởi vấn đề quan trọng là danh mục đầu tư đã được bảo vệ trước những rủi ro. Có thể ví von việc cắt lỗ giống như mua bảo hiểm. Khi mua bảo hiểm, bạn sẽ mất tiền nhưng điều quan trọng là nó sẽ giúp ích bạn rất nhiều khi có biến cố xảy ra.

William J. O’neil, “phù thủy” đầu tư Phố Wall, tác giả cuốn sách “làm giàu qua chứng khoán” đã chia sẻ rằng ông luôn đưa ra quyết định cắt lỗ cho những cổ phiếu ở quanh mức 8%. Đây là mức an toàn và sẽ giúp bạn dễ dàng gỡ lại những gì đã mất hơn so với việc đánh mất 90% giá trị đầu tư.

Trong khi đó, sự thành công của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng đến từ triết lý là bảo toàn vốn. Ông từng chia sẻ: “(1) đừng bao giờ để mất tiền và (2) hãy luôn nhớ quy tắc số 1”.

Có thể nói, về dài hạn, TTCK luôn có xu hướng tăng trưởng. Tuy nhiên, trong đó sẽ có cổ phiếu tăng và cũng có nhiều cổ phiếu giảm giá trong cùng khoảng thời gian. Thậm chí, không ít doanh nghiệp còn phá sản hoặc gặp phải những biến cố trong hoạt động khiến cổ phiếu trở thành “giấy lộn”. Do đó, nếu không có các chiến lược cắt lỗ hợp lý thì nhà đầu tư sẽ phải “ôm hận” dài.

Tuấn Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên