Thua lỗ triền miên, Vodka Hà Nội lên sàn với mức giá chỉ bằng 1/7 thời đỉnh cao
Halico đã lỗ 3 năm liên tiếp và dự kiến còn lỗ hơn trăm tỷ đồng trong những năm tiếp theo.
Sở GDCK Hà Nội vừa chấp thuận cho CTCP Cồn rượu Hà Nội (Halico - thường được biết đến với thương hiệu Vodka Hà Nội) được đăng ký giao dịch 20 triệu cổ phiếu trên Upcom với mã chứng khoán HNR.
Ngày giao dịch đầu tiên 8/6/2018. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 31.900 đồng/cổ phiếu. Mức giá này chỉ bằng 1/7 so với mức giá mà tập đoàn Diageo đã chi ra để mua lại hơn 45% cổ phần của Halico.
Halico với lịch sử 120 hình thành và phát triển
CTCP Cồn rượu Hà Nội (Halico) tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898. Từ tháng 12/2006 chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 48,5 tỷ đồng. Lần gần đây nhất, tháng 6/2010 công ty tiến hành tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 84,33%. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng tiếp vốn điều lệ.
Tính đến 19/3/2018 Halico có 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Hà Nội nắm giữ cổ phần chi phối 44,29%. Ngoài ra một tổ chức nước ngoài, Streetcar Investments Holdings Pte. Ltd thuộc tập đoàn bia rượu Diageo sở hữu 45,57%.
Sản phẩm chính hiện nay của công ty là các loại đồ uống có cồn, không cồn với các thương hiệu Lúa Mới Vodka Hà Nội, Bluebird… với hệ thống phân phối bán lẻ trên khắp cả nước và xuất khẩu sang một số nước Đông Âu, Nhật, Hàn…
Kết quả kinh doanh thua lỗ mấy năm liên tục
Tuy vậy từ năm 2015 đến nay công ty liên tục thua lỗ do việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Doanh thu năm 2017 giảm sút hơn một nửa so với năm trước đó, còn số lỗ năm 2017 gấp 4 lần năm 2016, lên đến hơn 84 tỷ đồng.
Trên BCTC hợp nhất năm 2017 thể hiện tính đến hết năm 2017 tổng tài sản công ty đạt 658 tỷ đồng, giảm 134 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng nợ phải trả 98 tỷ đồng, giảm 50 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 558 tỷ đồng trong đó vốn góp chủ sở hữu 200 tỷ đồng.
Halico còn hơn 613 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển. Tuy nhiên công ty cũng đang gánh khoản lỗ lũy kế gần 255 tỷ đồng.
Đáng chú công ty vẫn nhận định 2 năm tiếp theo 2018 và 2019 vẫn sẽ lỗ với số lỗ lần lượt khoảng 58 tỷ đồng và 53 tỷ đồng. Công ty cũng không dự định sẽ tăng vốn trong năm tới đây.
Halico đang sở hữu hàng loạt khu đất vàng
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, điểm hấp dẫn của Halico khi lên sàn chính là số đất đai mà công ty đang quản lý. Trong số đó có hơn 868m2 đất tại số 28 Nhân Đồng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là đất thuê Nhà nước trả tiền hàng năm với thời hạn thuê 50 năm tính từ năm 1993, là đất dùng làm văn phòng làm việc và cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Mảnh đất tại số 94 Lò Đúc Hà Nội rộng hơn 2.230m2 cũng là đất thuê Nhà nước trả tiền hàng năm với thời hạn 50 năm kể từ năm 1993 dùng làm văn phòng và cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Mảnh đất rộng hơn 9.655m2 tại số 238 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội sử dụng làm kho chứa hàng; mảnh đất rộng 150.000m2 tại Yên Phong, Bắc Ninh dùng xây dựng Nhà máy sản xuất cồn rượu, có thời hạn thuê đến năm 2054. Mảnh đây rộng 68.856m2 cũng tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh để xây dựng hồ sinh học xử lý nước thải với thời hạn thuê đất đến năm 2060.
Khu đất tại Khu Tái định cư Thanh Lộc, Thanh Khê, Tp Đà Nẵng – là chi nhánh công ty tại Đà Nẵng – là lô đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ cá nhân. Và cuối cùng là lô đất số 26 Nguyễn Huy Tự, p Đa Kao, quận 1, Tp HCM rộng 180m2 dùng làm văn phòng làm việc và showroom giới thiệu sản phẩm. Đây là lô đất nhận chuyển nhượng từ Nhà máy Thủy điện Gò Vấp.
Tổng diện tích đất đai công ty đang quản lý sử dụng lên đến trên 233.709m2.
Trí Thức Trẻ