“Thừa thày thiếu thợ”, Hàn Quốc phải “xuất khẩu” cử nhân thất nghiệp
Đối mặt với tình trạng khan hiếm việc làm chưa từng thấy trong nước, nhiều cử nhân trẻ Hàn Quốc phải tìm việc ở nước ngoài...
Cho Min-kyong sở hữu tấm bằng kỹ sư từ một trong những trường đại học danh giá nhất của Hàn Quốc, một giải thưởng thiết kế thời sinh viên, và điểm tiếng Anh trình độ cao gần đạt tuyệt đối.
Tuy nhiên, Cho đã từ bỏ hy vọng tìm việc ở Hàn Quốc sau 10 lần bị nhà tuyển dụng từ chối trong năm 2016, bao gồm cả lần nộp hồ sơ ứng tuyển vào hãng xe Hyundai. Nửa năm sau, nhờ một hội chợ việc làm do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức nhằm kết nối lao động trình độ cao của nước này với các công ty nước ngoài, Cho đã được ba công ty Nhật Bản mời sang làm việc, trong đó có hãng xe Nissan.
"Không phải là tôi không đủ khả năng. Vấn đề là có quá nhiều người tìm việc giống như tôi. Đó là lý do vì sao nhiều người bị trượt", Cho, 27 tuổi, lý giải về việc cô không thể xin được việc ở Hàn Quốc. Giờ đây Cho đang làm việc tại một cơ sở của Nissan ở gần Tokyo.
"Cơ hội tìm việc bên ngoài Hàn Quốc rất nhiều", Cho nói với phóng viên của hãng tin Reuters.
Cử nhân "xuất khẩu"
Đối mặt với tình trạng khan hiếm việc làm chưa từng thấy trong nước, nhiều cử nhân trẻ Hàn Quốc như Cho đã đăng ký tham gia vào các chương trình do chính phủ tài trợ để tìm việc ở nước ngoài. Những chương trình như K-move đã được chính phủ nước này triển khai để kết nối lao động trẻ có kỹ năng của Hàn Quốc với "những công việc có chất lượng" ở 70 quốc gia trên thế giới.
Năm ngoái, các chương trình như vậy đã tìm được 5.783 công việc cho các cử nhân Hàn Quốc mới ra trường, tăng gấp 3 lần so với năm đầu tiên tổ chức 2013.
Trong đó, khoảng 1/3 số cử nhân này sang làm việc ở Nhật Bản, quốc gia đang trong tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất 26 năm. 1/4 số cử nhân trên sang Mỹ, quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 4 năm nay giảm xuống mức thấp nhất nửa thế kỷ.
Chính phủ Hàn Quốc không đưa ra ràng buộc nào đối với lao động tham gia các chương trình này. Một số quốc gia khác như Singapore cũng có chương trình tương tự, nhưng yêu cầu người lao động phải trở về nước sau một thời gian nhất định và phải làm việc cho chính phủ trong thời gian lên tới 6 năm. Trong khi đó, các cử nhân Hàn Quốc tham gia chương trình của Chính phủ nước này không bị yêu cầu phải trở về hay làm việc cho chính phủ trong tương lai.
"Chảy máu chất xám không phải là mối lo lúc này của Chính phủ Hàn Quốc. Thay vào đó, vấn đề cấp bách là không để những người trẻ rơi vào cảnh nghèo túng" cho dù việc này đồng nghĩa với việc phải "đẩy" họ ra nước ngoài làm việc - giáo sư Kim Chul-ju thuộc Học viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) nhận xét.
Trong năm 2018, Hàn Quốc tạo được ít việc làm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, với chỉ 97.000 công việc được tạo ra ở nước này. Vào năm 2013, khoảng 1/5 người trẻ Hàn Quốc không có việc làm, cao hơn mức bình quân 16% tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Tháng 3 năm nay, 1/4 người Hàn Quốc trong độ tuổi 15-29 không có việc làm, hoặc do họ chọn như vậy hoặc do không tìm được việc làm - theo thống kê chính thức.
Biểu đồ số người Hàn Quốc thất nghiệp qua các năm (trái) và số người Hàn Quốc tìm được việc làm ở nước ngoài nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ - Nguồn: Reuters.
Sự thống trị của các công ty gia đình trong nền kinh tế Hàn Quốc được xem là một nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ nước này. 10 công ty lớn nhất của Hàn Quốc, trong đó có những cái tên như Samsung và Hyundai, chiếm hơn một nửa tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Tuy nhiên, chỉ 13% lực lượng lao động của Hàn Quốc làm việc trong những công ty có từ 250 nhân viên trở lên, so với tỷ lệ 47% ở Nhật Bản.
"Các công ty lớn đã thành thạo với mô hình kinh doanh giúp họ tồn tại mà không cần tăng sử dụng lao động" trong bối cảnh giá nhân công tăng và việc sa thải những nhân viên lâu năm vẫn còn là một việc khó - giáo sư Kim So-young thuộc Đại học Quốc gia Seoul nhận định.
Ngại việc tay chân
Trong khi ngày càng có nhiều cử nhân trẻ Hàn Quốc ra nước ngoài làm việc, nước này vẫn phải dựa vào nguồn lao động nhập cư để giải quyết tình trạng thiếu lao động phổ thông. Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ lao động trẻ trình độ cao lớn nhất trong OECD, với 3/4 số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học ở nước này học lên đại học, so với tỷ lệ trung bình 44,5% trong OECD.
"Hàn Quốc đang phải trả giá cho việc bảo vệ thái quá những công việc cấp cao và cơn sốt giáo dục tạo ra quá nhiều người cạnh tranh để giành một lượng ít những vị trí quan trọng", nhà nghiên cứu Ban Ga-woon thuộc Viện Nghiên cứu về giáo dục và đào tạo việc làm Hàn Quốc phát biểu.
Tỷ lệ người Hàn Quốc tìm được việc ở nước ngoài theo từng quốc gia trong năm 2018 - Nguồn: Reuters.
Cho dù khó tìm việc, các cử nhân trẻ Hàn Quốc đều không muốn làm những công việc tay chân, theo ông Lim Chae-wook, một quản đốc nhà máy sản xuất khay cáp có 90 công nhân ở Ansan, gần Seoul cho hay.
"Người địa phương không muốn làm công việc này vì xem là phải hạ mình, nên chúng tôi buộc phải thuê lao động nước ngoài", ông Lim cho biết. Công nhân làm việc trong nhà máy của ông đến từ Philippines, Việt Nam và Trung Quốc.
Đối với nhiều người Hàn Quốc ra nước ngoài làm việc, câu chuyện cũng không phải là màu hồng.
Nhiều người tìm được việc ở nước ngoài nhờ sự hậu thuẫn của chính phủ cho biết họ rốt cục phải làm những công việc tay chân như rửa bát ở Đài Loan hay chế biến thịt ở nông thôn Australia. Trong một số trường hợp, họ không được cung cấp thông tin rõ ràng về tiền lương và điều kiện làm việc.
Lee Sun-hyung, 30 tuổi, một cử nhân ngành thể thao, thông qua K-move đã tới làm huấn luyện viên bơi ở Sydney vào năm 2017, nhưng chỉ được trả khoảng 420 USD/tháng, bằng 1/4 so với thông tin mà cô nhận được khi còn ở Seoul.
"Đó không phải là những gì mà tôi đã hy vọng. Tôi thậm chí không trả được tiền thuê nhà", Lee nói. Sau đó, cô phải làm thêm công việc lau cửa kính tại một cửa hiệu thời trang rồi trở về nhà sau chưa đầy 1 năm trong tình trạng khánh kiệt.
VnEconomy