Thức dậy lúc 5h chưa chắc khiến bạn thành công nhưng nhất định giúp cơ thể khỏe mạnh: Chẳng trách hàng loạt CEO và người nổi tiếng đều thực hiện
Từ lâu, dậy sớm vẫn được coi là bí quyết quan trọng để thành công. Dù lời khuyên này vẫn bị nhiều người hoài nghi, không ai có thể phủ nhận được những lợi ích to lớn mà thói quen dậy sớm mang lại cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
- 08-12-2020Tư duy khác biệt giữa người làm việc bận rộn và người làm việc hiệu quả: Ai thành đạt?
- 07-12-2020Nhìn lại một năm đã qua với triết lý Fudoshin giúp người Nhật "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến": Dục tốc bất đạt, có nhẫn nại mới thấy được an yên
- 07-12-2020Những nghề độc và lạ chỉ có trong Nhà Trắng nhưng có mức thu nhập cực khủng: Chỉ chạy việc thôi cũng đã ẵm hơn 2 tỷ VNĐ/năm
Thức dậy lúc 5h sáng đã trở thành thói quen của Abhinav Sood - một chuyên gia PR tại Delhi (Ấn Độ) - trong suốt hơn 30 năm qua. Anh rời khỏi giường từ lúc trời còn tờ mờ sáng để tập chống đẩy, chạy bộ, xem tin tức và ăn sáng với ngũ cốc, trứng và hoa quả.
“Những ý tưởng kinh doanh tuyệt vời nhất thường đến từ lúc sáng sớm, khi đầu óc không bị căng thẳng”, vị giám đốc 46 tuổi của công ty Communications Inc. cho biết.
Ngủ là một trong những thú vui của cuộc sống. Nhiều người trong số chúng ta thích nằm trên giường, ngủ nướng và chỉ thức dậy khi thực sự cần thiết. Tuy nhiên, việc dậy sớm từ tờ mờ sáng, tận hưởng bầu không khí yên tĩnh và bình lặng đem lại khá nhiều lợi ích.
Sood chia sẻ: “Dậy sớm giúp tôi đi làm sớm hơn, không bị tắc đường. Nhờ vậy, tôi không cần phải vội vã với một tâm trí lộn xộn”. Điều này giúp anh tập trung cho công việc và giải quyết vấn đề.
Trong cuốn sách “The 5AM Club” của mình, bậc thầy về nghệ thuật lãnh đạo Robin Sharma đã chỉ ra “khoảng thời gian giá trị nhất của chúng ta là 5-8h sáng”.
Bởi lẽ, đây là lúc con người ít bị gián đoạn nhất. Sharma khuyên mọi người nên dành 20 phút đầu tiên trong ngày để tập thể dục, nhằm kích thích cơ thể sản sinh thêm dopamine và serotonin - các chất giúp con người cảm thấy vui vẻ, cũng như tăng cường quá trình trao đổi chất.
Theo ông, mọi người nên dành 20 phút tiếp theo để suy ngẫm bằng cách viết nhật ký, tập thiền hoặc cầu nguyện.
Rất nhiều CEO và người nổi tiếng là “tín đồ” của thói quen dậy sớm, như CEO Apple Tim Cook, tỷ phú Richard Branson, “nữ hoàng truyền thông” Oprah WInfrey, người sáng lập Twitter Jack Dorsey và nữ diễn viên Jennifer Aniston.
Dậy sớm cũng giúp bạn duy trì chế độ ăn lành mạnh, bởi bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để ăn sáng đúng cách.
Những người thích ngủ nướng thường bỏ qua bữa sáng - một thói quen vô cùng có hại đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, có thể gây tăng cân.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Northwestern (Mỹ) đã phát hiện, những người dậy muộn thường đi ngủ muộn và không ngủ đủ giấc. Họ cũng tiêu thụ nhiều calo hơn vào bữa tối và sau 8h tối, ăn nhiều đồ ăn nhanh và uống nhiều nước ngọt, nhưng lại ăn rất ít rau củ quả. Những người này tiêu thụ nhiều hơn 250kcal so với người dậy sớm.
Malini Kalyanam (57 tuổi) - huấn luyện viên thể dục kiêm giáo viên dạy làm gốm ở Chennai (Ấn Độ) - luôn coi việc dậy sớm là một thú vui.
“Khi dậy sớm, tôi cảm thấy bình tĩnh và tích cực hơn. Bên cạnh đó, tôi được bổ sung thêm vitamin D từ ánh nắng mặt trời ban ngày. Tôi thường dành thời gian để tưới cây ngoài vườn, cầu nguyện và tập thiền trong không gian yên tĩnh. Điều này giúp tôi cảm thấy tràn trề năng lượng, trẻ trung và có nhiều động lực hơn để làm việc”.
Trong cơ thể con người có một loại đồng hồ sinh học kiểm soát mọi thứ, từ nhịp đập trái tim cho đến nhiệt độ cơ thể. Nó chính là thứ kích thích cơ thể sản sinh ra melatonin - một chất hóa học trong não giúp con người dễ đi vào giấc ngủ.
Thời gian ngủ sẽ tác động đến đồng hồ sinh học của mỗi người. Việc đi ngủ và thức dậy vào một khung giờ cố định sẽ cải thiện chất lượng của các chu kỳ ngủ tự nhiên, giúp phục hồi cơ thể và trí óc.
“Để cơ thể có thời gian chữa lành các tổn thương và phục hồi, chúng ta cần ngủ một cách đều đặn, ít nhất là đủ 8 tiếng”, bác sĩ Sheela Chakravarthy - chuyên gia khoa nội thuộc Bệnh viện Fortis (Ấn Độ) - đưa ra lời khuyên.
“Hormone tăng trưởng cần thiết cho việc phát triển cơ bắp cũng được giải phóng trong giấc ngủ. Các mô và xương được chữa lành, còn hệ miễn dịch được tái khởi động”.
Theo bác sĩ N. Ramakrishnan - giám đốc cấp cao kiêm người cố vấn cho Viện Nirtha về Khoa học Giấc ngủ tại Chennai (Ấn Độ), dậy sớm giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn để bắt đầu một ngày mới một cách lành mạnh.
“Khởi động ngày mới bằng cách tập thể dục và ăn sáng sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái. Quan trọng hơn, thói quen này sẽ phòng tránh cảm giác căng thẳng tột độ do adrenalin gây ra khi bạn bắt đầu một ngày làm việc”, ông nói.
Bác sĩ Ramakrishnan cũng cảnh báo rằng bạn không nên dậy sớm khi chưa ngủ đủ giấc. Muốn dậy sớm, mọi người cần ngủ sớm, ngủ đủ giấc để có thể tỉnh táo và đầy năng lượng trong ngày hôm sau.
“Đa số người lớn cần ngủ khoảng 6-8 tiếng để cảm thấy sảng khoái. Nếu dậy quá sớm mà không ngủ đủ, bạn sẽ mệt mỏi cả ngày”.
Một nghiên cứu về gen của Đại học Exeter (Anh) vào năm 2019 cho thấy, tập cho cơ thể thói quen dậy sớm có thể giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, cũng như làm giảm nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt và trầm cảm.
Theo các nhà khoa học, những người thích ngủ muộn và dậy muộn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bởi họ đi ngược lại đồng hồ sinh học tự nhiên trong cơ thể, nhất là trong bối cảnh hầu hết các công ty đều yêu cầu nhân viên đi làm sớm.
Hội “cú đêm” thường phân bua rằng họ thức đêm để làm thêm việc, bởi đây là lúc họ cảm thấy làm việc hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đa số mọi người đều được cấu tạo để làm việc hiệu quả vào buổi sáng.
“Khi tránh xa điện thoại và TV, ăn tối nhẹ nhàng, rồi lên giường đi ngủ để sáng hôm sau dậy sớm, tôi cảm thấy chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể”, Abhinav Sood chia sẻ.
(Theo SCMP)