MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thúc đẩy tôn trọng quyền trẻ em là ‘bệ phóng’ giúp thu hút đơn hàng và các khoản đầu tư cho doanh nghiệp xuất khẩu

Các sản phẩm dệt may, da giày được xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ phải đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn khắt khe, đáng chú ý có các quy ước về quyền trẻ em. Đây chính là động lực giúp họ thực hiện điều này tốt hơn.

Bên cạnh đầu tư và tiêu dùng, xuất khẩu là một trong 3 chân kiềng quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, dệt may và da giày là hai ngành chủ lực về xuất khẩu của Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, dệt may và da giày là hai trên 7 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 10 tỷ USD của nước ta trong năm 2023, lần lượt với 33,2 và 20,3 tỷ USD.

Thúc đẩy tôn trọng quyền trẻ em là ‘bệ phóng’ giúp thu hút đơn hàng và các khoản đầu tư cho doanh nghiệp xuất khẩu- Ảnh 1.

Ngành dệt may Việt Nam không sử dụng lao động trẻ em. Ảnh: Dự án CRBP.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam còn được biết đến là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh. Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam cũng xác lập kỷ lục khi "công phá" tới 104 thị trường và vùng lãnh thổ. Theo thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), cả nước có khoảng 7.500 doanh nghiệp trong ngành dệt may, 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng trực tiếp trên 3 triệu lao động.

Với ngành da giày, theo Tổng cục Hải Quan, năm 2023 là năm thứ 26 liên tiếp (tính từ năm 1998), da giày xuất khẩu luôn nằm trong nhóm mặt hàng tỷ USD và nằm trong nhóm có kim ngạch cao. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với sản lượng ước tính chiếm khoảng 10% của thế giới.

Đáng chú ý, từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, số đơn hàng xuất khẩu của hai ngành chủ lực đã rục rịch tăng trở lại, với mức tăng trung bình khoảng 20-25%. Những kết quả đáng kinh ngạc của hai ngành hàng này là nhờ việc áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường, ngay cả những thị trường khó tính như Mỹ, EU, về phát triển bền vững, ESG (Môi trường, xã hội và quản trị), quyền con người…

Doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may và da giày chú ý hơn về quyền trẻ em

Trong một lần chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Iceland, Na Uy, Látvia, Đan Mạch cho biết, để các sản phẩm dệt may được xuất khẩu sang châu Âu, các sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn được họ đặt ra, đáng chú ý có các tiêu chuẩn tiên tiến về quyền trẻ em.

Cụ thể, "các cơ sở sản xuất hàng dệt may dán nhãn sinh thái Bắc Âu phải tuân thủ các công ước của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hợp quốc), trong đó, cấm lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử, đồng thời đặt ra các yêu cầu về tiền lương và giờ làm việc hợp lý. Cơ quan nhãn sinh thái Bắc Âu cũng đi kiểm tra tất cả các cơ sản sản xuất, bất kể chúng ở đâu trên thế giới", bà Thuý nói.

Tất cả những quy định này nhằm tăng chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may. Và nếu như đặt trong mối quan hệ kinh tế hướng đến những giá trị bền vững như hiện nay, việc áp dụng các tiêu chuẩn này không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu, mà còn cho toàn bộ chuỗi cung ứng tạo ra sản phẩm xuất khẩu.

Đáng chú ý, trong báo cáo "Khảo sát việc thực hiện quyền trẻ em của doanh nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam" do VCCI thực hiện dưới sự hỗ trợ từ UNICEF (2021), cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế có nhiều động lực hơn để thúc đẩy quyền trẻ em. Trong đó, doanh nghiệp dệt may và da giày chú ý hơn tới các vấn đề về quyền trẻ em.

Bởi, doanh nghiệp ngành này phải đáp ứng những yêu cầu từ nhà nhập khẩu; trong đó có những yêu cầu khắt khe về quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh trong hoạt động của mình hơn.

Thúc đẩy tôn trọng quyền trẻ em là ‘bệ phóng’ giúp thu hút đơn hàng và các khoản đầu tư cho doanh nghiệp xuất khẩu- Ảnh 2.

Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam áp dụng chính sách/thực hành về bảo vệ trẻ em trong hoạt động kinh doanh. Ảnh: Dự án CRBP

Cũng theo báo cáo vừa nêu, xét theo ngành, có đến 23,5% doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành dệt may, da giày được yêu cầu áp dụng quyền trẻ em vào hoạt động kinh doanh so với 8,3% doanh nghiệp du lịch và lữ hành và 5,2% doanh nghiệp chuỗi cung ứng. Nguyên nhân là do yêu cầu xuất khẩu nghiêm ngặt của khách hàng trong lĩnh vực dệt may, da giày. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành dệt may, da giày ít được đào tạo nhất (chỉ 2%), trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành du lịch, lữ hành có tỷ lệ được các NGOs đào tạo cao nhất (8,6%).

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra có tới 50% các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành dệt may, da giày đã quan tâm nhiều hơn tới các chính sách về xử phạt và xử lý các hành vi bạo lực, bóc lột và xâm hại trẻ em so với các doanh nghiệp thuộc ngành du lịch và lữ hành (41.5%) và các doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng (36.8%).

Một điểm đáng chú ý khác mà báo cáo có nêu đó là doanh nghiệp dệt may, da giày thuê nhiều lao động trẻ hơn, cung cấp nhiều phòng vắt sữa cho lao động đang cho con bú hơn (39% so với mức trung bình 27%). Khoảng một phần ba doanh dệt may và da giày có trợ cấp nhà ở cho các lao động ở xa đến, trong khi đó chỉ 14% doanh nghiệp trong ngành du lịch và lữ hành có hình thức hỗ trợ này.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu ban đầu thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên điều này lại cho họ động lực để làm tốt hơn - báo cáo của VCCI và UNICEF cũng chỉ ra điều này.

Có thể thấy, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đem lại sự khác biệt trong việc tuân thủ các nguyên tắc về quyền trẻ em trong kinh doanh.

10 nguyên tắc kinh doanh hỗ trợ quyền trẻ em trong doanh nghiệp

Hiện nay, vượt qua những thách thức và rào cản, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày thường áp dụng và khai thác một cách đa dạng về quyền trẻ em trong hoạt động kinh doanh, với cam kết và hỗ trợ đúng mức. Các hoạt động này được báo cáo VCCI và UNICEF thống kê thành 10 nguyên tắc kinh doanh cho doanh nghiệp để đảm bảo và hỗ trợ quyền trẻ em.

Đơn cử như việc xoá bỏ các lao động trẻ em trong tất cả các quan hệ kinh doanh; có các chính sách, biện pháp phù hợp để tạo việc làm bền vững cho lao động trẻ, cha mẹ; đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ an toàn với trẻ em, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; hỗ trợ trẻ em thông qua các sản phẩm và dịch vụ;... Hay như việc đảm bảo truyền thông và marketing không có những tác động xấu đến quyền trẻ em, sử dụng các kênh này nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy quyền trẻ em, lối sống lành mạnh, tích cực…

Thúc đẩy tôn trọng quyền trẻ em là ‘bệ phóng’ giúp thu hút đơn hàng và các khoản đầu tư cho doanh nghiệp xuất khẩu- Ảnh 3.

10 nguyên tắc kinh doanh cho doanh nghiệp để đảm bảo và hỗ trợ quyền trẻ em. Ảnh: UNICEF.

Nhờ những giá trị này, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đang trên đà phát triển và đã tạo dựng được danh tiếng cho riêng mình, vừa đóng góp cho cộng đồng vừa phát triển hoạt động kinh doanh sản xuất. Đáng chú ý, việc tôn trọng và thúc đẩy quyền trẻ em còn thu hút các khoản đầu tư khác vào hoạt động của công ty.

Báo cáo của VCCI và UNICEF cũng chỉ rõ, dù gặp phải các khó khăn về nguồn lực, chưa đủ kiến thức, kĩ năng hay thiếu hỗ trợ, ủng hộ từ Chính phủ, cộng đồng và khách hàng, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết luôn sẵn sàng học hỏi và cải thiện.

Một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết cần được hỗ trợ cả đào tạo nâng cao năng lực và hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, khi được hỏi nếu các doanh nghiệp cần hỗ trợ trong việc nâng cao năng lực hay nguồn lực tài chính, nhiều doanh nghiệp cho biết họ cần các khóa đào tạo nâng cao năng lực và hiểu biết về quyền trẻ em hơn. Điều này cho thấy sự sẵn sàng học hỏi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc nâng cao năng lực, phục vụ cho việc thúc đẩy quyền trẻ em vào hoạt động kinh doanh của mình.

Với các doanh nghiệp ở quy mô dù lớn hay nhỏ, mọi hoạt động sẽ tương tác và bằng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tới đời sống trẻ em. Thực trạng này cho thấy đã đến lúc cần tập trung nghiêm túc vào những tác động mạnh mẽ của kinh doanh đối với trẻ em. Làm tốt điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy hoạt động kinh doanh của chính chủ thể đó.


Võ Yến

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên