Thực khách phát hiện "báu vật" cổ đại có tuổi đời trăm triệu năm trong sân nhà hàng
Một thực khách tại Trung Quốc phát hiện dấu tích cổ đại có tuổi đời cả trăm triệu năm khi ghé thăm một nhà hàng ở Tứ Xuyên.
- 21-07-2022Coca-Cola, thuốc chữa bệnh bỗng trở thành thương hiệu đồ uống dẫn đầu: Câu chuyện ly kỳ về công thức "tuyệt mật"
- 20-07-2022Sống bằng tiền trợ cấp, một người mẹ trở thành triệu phú chỉ nhờ 1 khoảnh khắc
- 19-07-20228 năm chi tiêu có kế hoạch, cô gái 9X mua được căn hộ 2,2 tỷ đồng: 'Không có điều gì đến dễ dàng, dù thu nhập tăng tôi vẫn trung thành với một mức chi'
Một nhà hàng ở Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc mới đây đã trở thành tâm điểm của những người yêu khoa học thiên nhiên, khi khai quật được một báu vật cổ đại.
Cụ thể, khi ghé thăm tại nhà hàng nói trên hôm 10/7, thực khách Ou Hongtao đã tinh mắt phát hiện ra một "vết lõm đặc biệt" trên mặt đất. Vốn có niềm hứng thú với cổ sinh vật học, Ou lập tức liên hệ với chuyên gia Lida Xing, phó giáo sư tại Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc.
Nhóm của Xing mau chóng đến hiện trường. Sau khi sử dụng máy quét 3D, họ xác nhận hóa ra đó là 2 dấu chân khủng long sauropod từ kỷ Phấn Trắng, có niên đại 100 triệu năm.
Sauropod, hay Khủng long chân thằn lằn, còn được biết đến với cái tên khủng long cổ dài, là một loại khủng long ăn cỏ nổi bật với phần đuôi và cổ cực kỳ dài, cùng cơ thể khổng lồ nhất trong số các sinh vật trên cạn từng "ngao du" mặt đất.
Chúng có thể dài bằng 3 chiếc xe buýt học sinh nối đuôi nhau, và bước chân có thể làm rung chuyển cả mặt đất.
"Báu vật" khảo cổ bất ngờ được tìm thấy trong sân vườn một nhà hàng bình thường.
Theo giáo sư Xing chia sẻ với CNN, 2 chú khủng long "bé bự" trên có chiều dài ước tính là 8 mét.
Mặc dù nhiều hóa thạch khủng long từ kỷ Jura đã được phát hiện ở Tứ Xuyên, nhưng số hóa thạch từ kỷ Phấn trắng đã được tìm thấy hiếm có hơn nhiều. Kỷ Phấn trắng là khi "khủng long thực sự phát triển mạnh mẽ", Xing nói và cho biết thêm, "Khám phá này thực sự giống như một miếng ghép, bổ sung thêm một phần bằng chứng về kỷ Phấn trắng tại Tứ Xuyên và sự đa dạng của các loài khủng long (tại đó)".
Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây đã khiến cổ sinh vật học - nghiên cứu về sự sống cổ đại thông qua các hồ sơ hóa thạch - trở nên khó khăn hơn, Xing chia sẻ.
Nhóm của giáo sư Xing đang khảo sát hiện trường.
Ông nói: "Rất hiếm để tìm thấy hóa thạch trong thành phố, vì chúng đều bị bao phủ bởi các tòa nhà". Nhóm của ông thường đặt mục tiêu đến thăm các địa điểm tiềm năng trong vòng 48 giờ sau khi nhận được báo cáo, vì sợ rằng chúng "có thể bị phá hủy bởi công việc xây dựng chỉ trong vài ngày", ông nói thêm.
Rất may, trước khi trở thành một nhà hàng, địa điểm này được sử dụng như một trang trại gà, do đó dấu chân khủng long bị chôn vùi bởi nhiều lớp đất và cát bảo vệ chúng khỏi sự xói mòn và tác hại của thời tiết.
Số đất đá che phủ chỉ được dọn đi từ khoảng 1 năm trước, khi nhà hàng mở cửa. Chủ sở hữu thích vẻ tự nhiên của mặt đá lồi lõm, vì vậy đã để nguyên nó thay vì san lấp bằng xi măng, Xing nói.
Kết quả là, "những dấu chân này đã được bảo vệ tốt". "Khi đến đó, chúng tôi thấy rằng các dấu chân rất sâu và khá rõ ràng, nhưng chưa ai nghĩ đến (khả năng xảy ra khám phá này)"
Chủ nhà hàng hiện đã rào khu vực này để ngăn mọi người bước lên hố và có thể xây dựng thêm khu bảo vệ để gìn giữ các "báu vật" khảo cổ này, Xing nói thêm rằng đó là một dấu hiệu đáng hoan nghênh về sự quan tâm khoa học ngày càng sâu sắc của công chúng.
"Nếu là 10 năm trước, sẽ không ai gửi cho tôi những bức ảnh nghi là khủng long (hóa thạch hoặc dấu chân)", ông giãi bày. "Nhưng bây giờ, tôi nhận được khá nhiều từ những người dân bình thường, và tôi xác nhận được khá nhiều dấu chân khủng long mỗi năm".
Nguồn: CNN, Yahoo
Phụ nữ Việt Nam