MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực phẩm Hữu Nghị bị xử phạt vi phạm hành chính thuế, lãi ròng 9 tháng đầu năm 2022 đã vượt gấp đôi kế hoạch cả năm

08-01-2023 - 08:23 AM | Doanh nghiệp

Thực phẩm Hữu Nghị bị xử phạt vi phạm hành chính thuế, lãi ròng 9 tháng đầu năm 2022 đã vượt gấp đôi kế hoạch cả năm

CTCP Thực phẩm Hữu Nghị vừa công bố quyết định số 65462/QĐ-CTHN-TTKT2-XPVPHC ngày 29/12/2022 của Cục thuế Hà Nội về việc xử lý vi phạm hành chính về thuế. Tổng số tiền truy thu, chậm nộp và tiền phạt lên tới 1,1 tỷ đồng.

Theo đó, Cục thuế TP Hà Nội đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với CTCP Thực phẩm Hữu Nghị do các vi phạm về kê khai thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Kết luận, Thực phẩm Hữu Nghị bị truy thu thuế GTGT và TNDN với giá trị 881,2 triệu đồng và tiền chậm nộp thuế GTGT phát sinh là 24,7 triệu đồng.

Tổng số tiền truy thu, chậm nộp và tiền phạt mà HNF phải nộp là 1,108 tỷ đồng.

Trong văn bản giải trình nguyên nhân và giải pháp khắc phục, HNF cho biết việc truy thu thuế GTGT và TNDN đối với doanh nghiệp sản xuất nói chung là nghiệp vụ kinh tế không thể tránh khỏi thiếu sót. Công ty cho biết sẽ tăng cường quản trị nội bộ bằng việc thực hiện vai trò của Ban Kiểm soát và Công ty kiểm toán để phòng ngừa, khắc phục.

Doanh nghiệp cũng cho biết thêm sẽ nghiêm túc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Năm 2021, công ty nộp NSNN 49,7 tỷ đồng.

CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (tiền thân là Nhà máy Bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị) được thành lập năm 1997. Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực Sản xuất thức ăn chế biến sẵn; Chế biến, bảo quản thịt và sản phẩm từ thịt; Sản xuất rượu vang; Kinh doanh bất động sản. Địa bàn kinh doanh của Công ty trên toàn quốc và xuất khẩu sang một số nước Châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc...

Các nhãn hiệu sản phẩm bánh kẹo quen thuộc của công ty như Staff, Tipo, Daisy, Mứt Tết Hữu Nghị.

Hữu Nghị đang duy trì sản xuất tại 3 nhà máy đạt tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm nằm tại Hà Nội diện tích 1,7 ha; nhà máy nằm tại Bình Dương diện tích 3,5 ha; nhà máy nằm tại Bắc Ninh diện tích 6,5 ha.

Theo giới thiệu của công ty, các sản phẩm Hữu Nghị hiện nay được phân phối qua nhiều kênh:

- Kênh truyền thống: có 130 nhà phân phối và hơn 140.000 điểm bán lẻ.

- Kênh hiện đại: các đại siêu thị thuộc chuỗi VinMart, BigC, MMMega, Aeon, Lotte Mart và hơn 6.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi (CVS).

- Kênh trọng điểm: các trường học, hàng chục tập đoàn đa quốc gia, tổng công ty và các ngân hàng, tổ chức tín dụng như Samsung, Canon, Foxconn, Viettel, Vietcombank v.v…

- Kênh thương mại điện tử: bán hàng online trực tiếp và thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

- Kênh bán lẻ theo chuỗi Bakery: hàng chục điểm Bakery mang thương hiệu Momiji Bakery.

- Kênh xuất khẩu: xuất khẩu sang hơn 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Campuchia, Lào v.v…

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng năm 2022, Thực phẩm Hữu Nghị đạt 1.318 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 90,3 tỷ gấp 2,4 lần cùng kỳ. Với kết quả này, HNF mới chỉ hoàn thành 68,5% kế hoạch doanh thu cả năm nhưng đã vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 45 tỷ.

Tính đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản của công ty đạt 1.998 tỷ đồng, trong đó TS ngắn hạn chiếm 47%. Vốn lưu động của công ty nằm nhiều ở các khoản phải thu và hàng tồn kho, phù hợp với ngành nghề kinh doanh của HNF. Hoạt động kinh doanh được tài trợ phần lớn bởi Nợ phải trả (trị giá 1.373 tỷ đồng, gấp 2,1 lần Vốn chủ sở hữu).

Cũng tại 30/09/2022, vốn điều lệ của công ty là 300 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối để lại trên BCĐKT là 226 tỷ đồng.

Theo Trọng Nghĩa

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên