MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thuế quan của ông Trump có thể khiến mỗi gia đình Mỹ mất 1.000 USD/năm

21-08-2019 - 11:59 AM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Trump đang “liều lĩnh” khi mở rộng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc...

Tổng thống Donald Trump và các cố vấn của ông luôn khẳng định thương chiến Mỹ-Trung sẽ không gây ảnh hưởng gì đến người tiêu dùng Mỹ. Nhưng giới phân tích lại nói khác.

Trang CNN Business dẫn một báo cáo từ ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase nói rằng thuế quan mà ông Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc gây thiệt hại bình quân 600 USD/năm cho mỗi hộ gia đình ở Mỹ. Thiệt hại này sẽ tăng lên 1.000 USD nếu ông Trump thực thi kế hoạch áp thuế quan lên nốt 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như đã công bố.

Đánh giá trên cho thấy ông Trump đang "liều lĩnh" khi mở rộng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng cách áp thuế lên hầu như tất cả các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu từ đối phương, từ máy chơi trò chơi (game), TV, cho tới quần áo, giày dép, điện thoại…

Chiến lược gia Dubravko Lakos-Bujas thuộc JPMorgan Chase cho rằng thuế quan của ông Trump sẽ ảnh hưởng lớn đến "ví tiền của người tiêu dùng/cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử 2020".

Chuyên gia này cũng cho rằng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ xóa gần hết lợi ích mà các hộ gia đình Mỹ nhận được từ chương trình cắt giảm thuế quy mô lớn mà ông Trump và Đảng Cộng hòa của ông thông qua hồi cuối năm 2017.

Phân tích của JPMorgan Chase - được thực hiện dựa trên các nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York và giới học giả - rất khác so với những gì chính quyền ông Trump vẫn nói.

"Người tiêu dùng Mỹ chưa thiệt hại gì cả. Trung Quốc phải chịu toàn bộ gánh nặng", cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói với CNN hôm Chủ nhật.

Các kế hoạch áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc mà ông Trump đưa ra trong hơn 1 năm qua đã gây sóng gió trên thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng sức ép tăng trưởng này có thể đặt ông Trump vào thế bất lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống 2020.

"Những nền kinh tế mạnh nhất cũng có thể rơi vào suy thoái do chính sách bảo hộ thương mại và thương chiến", chiến lược gia Kristina Hooper của Invesco nhận định trong một báo cáo hôm thứ Hai.

Nhiều người trong giới doanh nghiệp Mỹ đồng tình với mục tiêu của ông Trump về buộc Trung Quốc phải chơi bình đẳng trong sân chơi thương mại, đặc biệt trong việc Bắc Kinh sử dụng những hàng rào phi thuế quan như ép buộc chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp Mỹ cũng lo ngại khi chứng kiến ông Trump sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán.

Đến nay, ông Trump đã áp thuế quan 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Kế hoạch tiếp theo của ông là áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, trong đó một nửa sẽ bị áp thuế từ ngày 1/9 và một nửa sẽ bị áp thuế từ ngày 15/12.

"Người tiêu dùng Mỹ rốt cục sẽ phải hứng chịu sự gia tăng của giá cả", chuyên gia Kamal Tamboli của JPMorgan Chase phát biểu. "Nếu xem cải cách thuế của chính quyền ông Trump là biện pháp kích cầu tài khóa, thì đây chắc chắn là sự đảo ngược của biện pháp đó".

Tuần trước, ông Trump tuyên bố hoãn áp thuế quan 10% lên hàng nghìn mặt hàng Trung Quốc, theo đó một nửa số hàng hóa trong kế hoạch 300 tỷ USD sẽ bị áp thuế từ ngày 15/12 thay vì từ ngày 1/9 như dự kiến ban đầu. Lý giải cho động thái này, ông Trump nói ông không muốn người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng trong mùa mua sắm cuối năm.

"Chẳng có cách đơn giản nào để bù đắp thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ", chuyên gia Lakos-Bujas nhấn mạnh.

Tiêu dùng là trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế Mỹ. Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục, các hộ gia đình Mỹ vẫn đang chi tiêu khá thoải mái. Doanh thu bán lẻ ở nước này trong tháng 7 tăng mạnh hơn dự báo.

Tuy nhiên, niềm tin người tiêu dùng Mỹ vào đầu tháng 8 này đã sụt mạnh xuống mức thấp nhất 7 tháng do thương chiến Mỹ-Trung leo thang.

Theo Bình Minh

VnEconomy

Trở lên trên